Bâng khuâng nhớ nhà văn Phùng Quán

ANTĐ - Bâng khuâng lại nhớ lần theo anh bạn ở Hà Tĩnh, cùng học lớp Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1973, rủ đi thăm ông Phùng Quán. Tôi vốn tò mò nhận lời ngay. Cũng phải biết mặt nhà văn viết tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” năm mới mười bảy tuổi mà mình kính trọng chứ. Đi là đi luôn chứ chẳng có hẹn hò. Một lũ rồng rồng rắn rắn. Anh bạn văn quê Nam bộ chưa vợ, trẻ tuổi đẹp giai, cũng kiếm được một bình tông rượu ngang. Tôi trố mắt nhìn nhà văn Phùng Quán. Tôi cảm thấy ông hao hao giống nhà thơ Tố Hữu. Cũng khổ người thâm thấp, mắt một mí. Thì ra ông gọi Tố Hữu là cậu ruột, trên đường về bạn bè bảo thế.

Phùng Quán chỉ nhấp ruợu “khan” và nói chuyện cá Hồ Tây. Ông là nhà văn nổi tiếng lại phải kiếm sống bằng nghề câu cá trộm, ông bảo thế. Ông quan sát cá Hồ Tây, thật sinh động, thật tinh tế. Về mặt nào đó, có thể nói ông là nhà cá học. Ông hiểu cá nước ngọt kĩ lắm, sâu lắm. Loại nào ăn đàn, loại nào ăn lẻ. Ăn chìm. Ăn nổi. Đi ăn vào giờ nào. Ban ngày có sáng, trưa, chiều, tối. Đêm thì có loại nào ăn chập tối, ăn lúc nửa đêm, ăn canh hai canh ba. Do vậy, muốn có cá nào thì phải câu vào lúc nào. Và đặc biệt là loại cá nào thích ăn mồi gì nữa chứ?

 Tôi nhớ mãi chuyện ông câu được một con trắm đen. Con cá to ước độ chục cân hơn, chục kí ngót. Ông bảo vậy. Lúc ăn nổi, lưng nó đen thấp thoáng như khúc gỗ. Ông phục mãi, phục mãi rồi cũng câu được nó. Ông chỉ thấy lạ tại sao lúc ăn mồi, dính lưỡi câu nó không giãy giụa, lao ngược lao xuôi nhỉ. Nó mặc cho ông từ từ kéo vào bờ như một con cá chết. Nó to quá. Ông nhảy xuống hồ, ôm nó lên nó cũng không giãy. Đến lúc nằm hẳn trên mặt đất khô cạn, nó mới giãy đành đạch, lật ngược lật xuôi. Hai người giữ mới nổi. Tuy vậy ông vẫn nhắc người bạn, cẩn thận, cẩn thận, kẻo bong mất cái vảy nào là mất tiền đấy. Cá bị tróc vảy là cá kém phẩm chất. Đến khi con cá mệt, nằm im, ông mới có dịp nhìn kĩ nó. Ông kinh ngạc, kêu lên. Bởi xung quanh miệng nó có hàng chục chùm lưỡi câu mắc vào với đủ các loại dây. Ông đếm được tất cả mười một chùm. Không kể chùm của ông là chùm thứ mười hai. Nhiều chỗ, chùm nọ mắc chồng lên chùm kia. Nhiều chỗ, da đã liền, đã phủ cả vào lưỡi câu và lưỡi câu đã rỉ. Vậy là tính từ lưỡi câu đầu tiên móc vào mồm nó đến nay đã được bao nhiêu năm rồi? Ông bảo, ông buồn. Buồn và nặng nề quá! Đến lúc mắc vào chùm lưỡi của ông, con cá đã chán sống. Đã không thèm vùng vẫy nữa. Chứ nhìn kĩ những mẩu dây câu của những người đi trước, dây câu của ông chả là cái gì cả. Vậy mà mười một người đi trước nó còn dứt đứt. Nó quyết sống. Quyết tồn tại. Con cá ở dưới nước là mạnh lắm. Như con người ta ở đúng chỗ, đúng môi trường của nó vậy. Phùng Quán, hất hàm hỏi:

- Đi học viết văn, các ông hiểu điều đó chứ? Mắc một chùm lưỡi câu, chứ mắc tới mười một chùm cũng chả là cái gì. Ta vẫn cứ tồn tại. Cứ vẫy vùng. Nhà văn là phải thế. Phải thế!