Băng đĩa nhạc cho thiếu nhi - của hiếm

(ANTĐ) - Nhu cầu ca hát cũng như được thưởng thức văn hóa văn nghệ của trẻ em không hề nhỏ, nhưng gần như không có sự đầu tư thực sự cho lĩnh vực này. Và cũng như các loại hình nghệ thuật khác dành cho trẻ em đang ngày càng khan hiếm thì băng đĩa nhạc, một món ăn tinh thần dễ sản xuất nhất hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng đĩa lậu tung hoành các bài hát của các “ngôi sao” nhưng của... 10 năm về trước.

Băng đĩa nhạc cho thiếu nhi - của hiếm

(ANTĐ) - Nhu cầu ca hát cũng như được thưởng thức văn hóa văn nghệ của trẻ em không hề nhỏ, nhưng gần như không có sự đầu tư thực sự cho lĩnh vực này. Và cũng như các loại hình nghệ thuật khác dành cho trẻ em đang ngày càng khan hiếm thì băng đĩa nhạc, một món ăn tinh thần dễ sản xuất nhất hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng đĩa lậu tung hoành các bài hát của các “ngôi sao” nhưng của... 10 năm về trước.

Sẽ không có một gia đình nào có trẻ em mà lại không có dăm bảy CD, VCD, DVD của cô bé Xuân Mai khi mới chỉ có 2, 3 tuổi đến khi 7 tuổi. Đó là những chiếc đĩa được sang in từ những chương trình, những băng đĩa của cô bé khi còn rất nhỏ, trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư. Và dù cho giờ đây, Xuân Mai đã thành một thiếu nữ 14 tuổi, hát những bài của tuổi mới lớn thì trong đầu óc non nớt của trẻ em và cũng như rất nhiều người lớn khác, bé Xuân Mai mới chỉ 3, 4 tuổi.

Tiếp theo Xuân Mai, khán giả miền Nam đón nhận rất nhiều ca sĩ nhí khác, nhưng tựu trung lại, hình ảnh Xuân Mai vẫn chiếm lĩnh đến 70% thị phần nhạc thiếu nhi. Cùng với hình ảnh cô ca sĩ nhí Xuân Mai, đội ca Nhà thiếu nhi quận 1 với Hoàng tử Sơn ca Quang Vinh, nhóm Mắt Ngọc, nhóm Mây Trắng, Tymyty và kể cả Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Thùy Lâm khi còn ấu thơ cũng không thiếu trong các băng đĩa nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay.

Phía Bắc cách đây 10 năm không dám đầu tư những băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như phía Nam nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, đặc biệt là đến năm 2003, cũng có một số CD, VCD của các em đến từ Cung thiếu nhi Hà Nội. Những tưởng khởi sắc sau khi băng đĩa nhạc phương Nam đã hết mùa thì sẽ trụ lâu và có thể đi chặng đường dài, nhưng không, sau vài album được đón nhận thì cũng “im thin thít và lặn mất tăm”. 6 năm qua, các em đều đã trưởng thành, nhưng các nhà sản xuất thì mỗi năm may ra thêm một sản phẩm mới.

Tình trạng ấy còn được chứng minh bằng việc các kênh phát sóng dành cho các em cũng đều sử dụng những băng đĩa đã được thực hiện cách đây khá lâu. Những đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc thiếu nhi như Phương Nam film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio, Tùng Production… lâu nay cũng im hơi lặng tiếng. Một số trung tâm băng đĩa gần như quay lưng với đối tượng khán giả này. Có hãng còn làm nhưng cũng cầm chừng, mỗi năm chỉ ra đời 1-2 album...

Đành rằng các nhạc sĩ hiện nay không còn mặn mà với những ca khúc dành cho thiếu nhi, nhưng không vì thế mà phải bỏ quên đối tượng phục vụ là các em nhỏ. Hàng năm, cứ vào mùa hè, chương trình Đồ Rê Mí được hồ hởi đón nhận, các em đăng ký hết sức nhiệt tình. Không cần bài hát mới, các em có thể được các thầy cô dựng lại những bài hát cũ, thậm chí có những em đã chọn những bài hát mà thế hệ cha mẹ, ông bà các em đã từng hát. Điều đó để thấy rằng, nhu cầu âm nhạc của các em là rất lớn.

Dạo qua thị trường băng đĩa mới thấy, hầu hết các đĩa nhạc dành cho thiếu nhi bán rất nhiều nhưng đều là đĩa lậu in sao từ những đĩa nhạc cách đây từ 6-10 năm. Chất lượng không tốt, mỗi đĩa nhạc giá chỉ từ 5.000-7.000 đồng, nhưng chỉ nghe đi nghe lại 4, 5 lần là đĩa đã bị trày xước dẫn đến hỏng đầu từ và hỏng đĩa. Nội dung của những đĩa hát này lặp đi lặp lại, có những đĩa giống nhau đến 98% vì chỉ có 2 bài hát khác được thêm vào. Sự chắp nối khiến các đĩa nhạc có độ dài kỷ lục, có đĩa lên đến 30 bài hát.

Nói về vấn đề sản xuất đĩa nhạc cho thiếu nhi, các nhà sản xuất cho rằng: Làm album nhạc cho thiếu nhi cần phải đầu tư lớn, lại phải bỏ tiền túi ra không như làm album nhạc cho người lớn, các ca sĩ tự đầu tư. Đã thế, lợi nhuận thu về không nhiều, vì thị trường đĩa nhạc lậu, đĩa nhạc kém chất lượng vẫn tràn lan, trôi nổi trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát chặt.

ý kiến của các nhà sản xuất đĩa nhạc không sai, nhưng thiếu nhi là một khách hàng đặc biệt cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là đời sống tinh thần. Không nên nói quá nhiều về chuyện lời lãi đối với các sản phẩm dành cho thiếu nhi. Các chương trình thiếu nhi hiện nay không hiếm nhưng hầu hết đều khai thác ở các kênh truyền hình nước ngoài, chưa có nhiều đặc điểm phù hợp với tâm sinh lý trẻ em Việt Nam.

Trước đây, các chương trình thiếu nhi của Đài truyền hình Việt Nam cũng khai thác mạnh mẽ những bài ca dao đồng ca và dựng thành những chương trình ca nhạc được các em đón nhận. Hàng năm có rất nhiều cuộc liên hoan văn nghệ dành cho các em, các chương trình biểu diễn trên truyền hình, cuộc thi Đồ Rê Mí, vậy thì nên chăng, từ những chương trình đó, làm thành CD, VCD, DVD để làm những món quà âm nhạc có ý nghĩa dành cho các em, bớt đi những đĩa trôi nổi và quá xưa cũ đang bán tràn lan hiện nay.

Châu Anh