Bản “Trường chinh ca” bất hủ của người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa

ANTĐ - Trong tuyển tập những bài hát hay về Hà Nội, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã góp vào những ca khúc đặc sắc của ông. Đó là: “Ngày về”, “Thủ đô huyết thệ”, “Mơ đời chiến sĩ” và “Trường chinh ca”... Chùm ca khúc này của ông đều gắn bó chặt chẽ với Hà Nội, với Trung đoàn Thủ đô huyền thoại xiết bao thân thương đối với mỗi người dân đất Kinh kỳ.

Nếu như “Thủ đô huyết thệ” là lời thề của những chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã chiến đấu một mất một còn trong 60 ngày đêm ngay trên mảnh đất quê hương của mình, thì “Trường chinh ca” là một bài hát của chính những người chiến sĩ ấy của Trung đoàn Thủ đô trên mọi nẻo đường trường chinh đánh giặc. Đó chính là một khúc quân hành ca đầy khí phách của “đoàn chiến sĩ tiên phong từng quen sống cùng đói cùng rét nhưng trong lòng vẫn vui...”.

Về sự ra đời của bản hành khúc tuyệt vời này, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác tâm sự: “Thực là giản dị - khi đó tôi là lính của Trung đoàn Thủ đô, trung đoàn có truyền thống hát đồng ca rất chuẩn và khá hay. Năm 1947, binh đoàn Charton của Pháp sau khi tấn công lên Việt Bắc bị quân ta đánh cho tan tác phải rút chạy. Trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ đuổi theo truy kích. Trên đường hành quân chiến đấu, anh Hoàng Đức Nghi - Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn lúc đó, hào hứng nói với tôi: “Trác ơi, một cuộc trường chinh tuyệt vời như thế, anh phải viết đi, viết đi chứ!”. Phấn khởi về những thắng lợi của cuộc chiến đấu và sung sướng trước sự trưởng thành, dày dặn của những người lính Trung đoàn Thủ đô vốn trước đây phần lớn chỉ quen với sách bút. Mặt khác, cũng được khích lệ vì sự thành công của bản hợp xướng “Lô giang” mà tôi mới viết xong trước đó, tôi đã say sưa lao vào sáng tác bản “Trường chinh ca”.

Như nhận xét của cây bút Tô Mai trong bài viết “Gặp gỡ tác giả Trường chinh ca”: Ở Trường chinh ca, ta không gặp những anh hùng hiệp sĩ đầy kiểu cách nữa mà là những chiến sĩ của cuộc sống hiện thực, họ nghĩ và nói mộc mạc hơn: “ Ta là chiến sĩ hiên ngang từng quen thắng gian lao thắng bao kẻ thù” hay “Chúng ta cười nhìn gió bay làm tung manh áo tả tơi, rét run người vì sốt bao mồ hôi rơi xuống gắng cười”.

Về cấu trúc của tác phẩm – theo chính nhạc sĩ cho biết: Các bài trước như “Mơ đời chiến sĩ” nhạc sĩ viết theo thể loại hai, ba đoạn thông thường, nhưng ở “Trường chinh ca”, ông không nghĩ đến hình thức gì mà chỉ muốn cái chiến thắng, cái “đi lên” phải được xuyên suốt, phải là chủ đạo. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác rất có lý, vì như các bậc thầy về âm nhạc cũng đã chỉ ra rằng: Nội dung quyết định hình thức, Sonate là một thể loại âm nhạc kinh điển, chặt chẽ như vậy nhưng 32 bản sonate cho piano nổi tiếng của Beethoven đã không có một sơ đồ cấu trúc nào giống hệt nhau vì do nội dung đòi hỏi.

Bởi vậy ta chả nên quá băn khoăn đến hình thức, cấu trúc của “Trường chinh ca” để quy ép cho nó là liên khúc, trường ca hay rondo làm gì như một số nhà phân tích đã thực hiện. Chỉ cần biết “Trường chinh ca” là một hành khúc rất hào hùng, rất được phổ biến và yêu thích trong quần chúng, kể cả nhân dân và quân đội - trong kháng chiến. Tác phẩm được xây dựng với hình tượng âm nhạc rất điển hình và giàu cá tính, rất gây ấn tượng nên dễ nhớ dễ thuộc.

Một ý nhạc mở đầu, giọng Fa trưởng “Có bao người hăng hái băng mình...” được phát triển dần lên và dừng lại ở bậc át âm, gợi lên hình ảnh một đoàn quân đang hành tiến để dẫn vào ý nhạc thứ hai, tính chất thôi thúc giục giã “Ta bước lên đi...”. Ý nhạc thứ ba chuyển thể hiện nỗi gian khổ và sự hi sinh của người chiến sĩ trên bước đường trường chinh đánh giặc, âm nhạc ở đây đượm màu sắc sâu lắng, suy tư, mất mát. Thế nhưng bức tranh âm thầm này đã nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho một nét nhạc bừng sáng quyết liệt như một lời thề của các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô năm nào: “Thế nhưng rồi đây, chúng ta thề quyết chiếm lại hoàn toàn Thủ đô trìu mến...”. Nét nhạc này như một cầu nối để trở lại với ý nhạc của đoạn đầu là hình ảnh một đoàn quân đang tiếp tục cuộc trường chinh, xa dần và xa dần...

“Trường chinh ca” là một ca khúc thành công của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, trong đó ông còn sử dụng một kĩ thuật sáng tác cho đến lúc bấy giờ còn rất ít người sử dụng, đó là kĩ thuật đối vị, lối viết này đã tạo nên phong cách phức điệu phong phú cho tác phẩm. Được sử dụng rất đắt và khéo léo với phần ca từ luôn hỗ trợ cho bè chính làm tăng cường rất nhiều hiệu quả thể hiện, vì vậy “Trường chinh ca” chính là hành khúc nghệ thuật đích thực. Và thật hạnh phúc biết bao cho tác giả vì tác phẩm đã in sâu được vào kí ức của một vị danh tướng như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Mỗi lần nghĩ tới cuộc đại trường chinh của cả dân tộc và mỗi lần nghĩ tới đồng chí Tổng tư lệnh, tôi lại nhớ ngay đến bản hành khúc “Trường chinh ca” hùng tráng hiên ngang, xúc động, thắm thiết và tràn ngập lạc quan này của người nhạc sĩ - chiến binh Lương Ngọc Trác...”.

Và chính người nhạc sĩ - chiến binh Hà Nội tài hoa ấy đã trở thành một nguyên mẫu trong những sáng tác văn học của các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Nguyên Cát như : “Sống mãi với Thủ đô”, “Lũy hoa” và “Ngày về”.