Bạn thân của Tổng thống Putin trần tình về số tiền "khủng" ở nước ngoài

ANTĐ - Người bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin tự nhận mình là một nhạc sĩ giản dị nhưng tài liệu rò rỉ từ “Hồ sơ Panama” tiết lộ, ông này đóng vai trò chủ chốt trong một đường dây luân chuyển tài chính bí mật. Trước những đồn đoán của dư luận về nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo, ông Putin cho rằng đây là một chiêu trò nhằm gây bất ổn nước Nga…

Bạn thân của Tổng thống Putin trần tình về số tiền "khủng" ở nước ngoài ảnh 1Ông Roldugin từ chối bình luận về các khoản đầu tư khổng lồ đứng tên mình

Đầu tư cho hàng trăm nghệ sĩ trẻ

Theo trang mạng NDTV, Sergei Roldugin, một nhạc sĩ nổi tiếng quen biết với đương kim Tổng thống Nga V.Putin từ những năm 1970, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi một số chi tiết nổi lên từ “Hồ sơ Panama” cho thấy, ông đang sở hữu 2 tỷ USD từ các công ty nước ngoài có giao dịch làm ăn với một số công ty Nga. Tài liệu từ “Hồ sơ Panama” cho biết, các mối liên kết của Tổng thống Putin, đặc biệt là ông Roldugin “đã bí mật lưu chuyển 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và công ty ngầm”.

Tuy nhiên, một chương trình truyền hình phát sóng hôm chủ nhật (10-4) trên kênh truyền hình Nhà nước Nga Rossiya nhấn mạnh rằng, khoản tiền khổng lồ trên liên quan tới chi phí mua nhạc cụ. Chương trình lên sóng 3 ngày sau khi Tổng thống V.Putin bác bỏ những tiết lộ của “Hồ sơ Panama” về khuất tất tài chính liên quan tới những người xung quanh ông, đồng thời nhấn mạnh, ông Roldugin đã chi tiền kiếm được từ các hoạt động kinh doanh để mua nhạc cụ từ nước ngoài cho các viện nghệ thuật Nga gặp khó khăn tài chính. 

“Tôi đã đi khắp nơi để đề nghị mọi người quyên góp” - ông Roldugin nói về nỗ lực của mình để khôi phục tòa nhà hiện là Viện Âm nhạc Saint Petersburg - một tổ chức hỗ trợ các nhạc sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc cổ điển. “Mọi thứ đắt đỏ, các nhạc cụ và thuê giáo sư rất tốn kém… Tất cả đều cực kỳ đắt giá” - nhạc sĩ Roldugin cho biết. “Chúng tôi đang đầu tư cho hàng trăm nghệ sĩ trẻ” - ông Roldugin tiếp tục trình bày, mà không bình luận về những công ty đứng tên ông hay giải thích làm sao họ kiếm được nhiều tiền như thế.

Tuy nhiên, lời giải thích của ông Roldugin lại không nhận được sự tán đồng, tờ Nhật báo Vedomosti đưa tin, Nga chỉ nhập khẩu số nhạc cụ trị giá 50 triệu USD vào năm 2015. 

Cuối cùng, chương trình truyền hình trên cho biết, khoản tiền mà ông Roldugin sở hữu là nhờ được cung cấp “một phần nhỏ cổ phần kinh doanh” từ các nhà tài trợ. Nhạc sĩ Cello Roldugin hiện có cổ phần trong Ngân hàng Rossiya - nơi được kho bạc Mỹ nhận định là ngân hàng của giới tinh hoa nước Nga và “Hồ sơ Panama” cáo buộc rằng, các quỹ nước ngoài của ông Roldugin được quản lý bởi những người có liên quan tới ngân hàng này.

Mời những nhân vật văn hóa nổi tiếng đến tham dự, trong đó có nhạc trưởng Valery Gergiev và Giám đốc Bảo tàng Hermitage Mikhail Piotrovsky, chương trình truyền hình trên đã kết thúc với bình luận rằng, thông tin từ “Hồ sơ Panama” “không gây hại cho nước Nga” và nhắc lại tuyên bố của phía Nga, tài liệu này “được dàn dựng bởi Bộ Ngoại giao Mỹ”.

Giả thuyết mới về “người giấu mặt”

Trang Russia Beyond The Headlines đưa tin, “Hồ sơ Panama” đã nhắc tới 13 chính trị gia và doanh nhân từ Nga, một số trong đó bị cáo buộc tham gia hoạt động rửa tiền. Mặc dù tên Tổng thống Putin không được đề cập đến trong tài liệu trên, nhưng “hiển nhiên rằng Tổng thống của chúng ta là mục tiêu của vụ rò rỉ”, đặc biệt là trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết. 

Đáng chú ý, theo trang Australia Network News, một giả thuyết khác được đặt ra là người Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ động trời này. Đây là giả thuyết của Clifford Gaddy – một nhà kinh tế làm việc ở Viện Brookings. Ông Gaddy cũng là một chuyên gia kinh tế Nga và cựu cố vấn cho Bộ Tài chính Nga những năm 1990. Ông đã chia sẻ giả thuyết của mình trong một trang mạng xã hội trên website Brookings vào tuần qua và đưa ra một số luận điểm cho thấy Nga là người giấu mặt trong vụ “Hồ sơ Panama”.

Trong diễn biến mới liên quan tới “Hồ sơ Panama”, Thủ tướng Anh David Cameron vừa thông báo thành lập một đội đặc trách mới để xử lý vấn đề liên quan tới “Hồ sơ Panama” trước sức ép tăng lên của dư luận. Đội đặc trách sẽ do Cơ quan Thuế và Cơ quan Phòng chống Tội phạm quốc gia Anh đứng đầu, nhiệm vụ là xác minh danh tính các khách hàng của Công ty luật Mossack Fonesca mang quốc tịch Anh bị tình nghi có hoạt động rửa tiền và trốn thuế.  

Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Thủ tướng Malta Joseph Muscat đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình yêu cầu từ chức. Trước đó, sau khi quả bom “Hồ sơ Panama” phát nổ, ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải rời ghế Thủ tướng Iceland, bởi tài liệu này tiết lộ phu nhân của ông sở hữu một công ty liên quan tới vụ sụp đổ nhiều ngân hàng khiến biểu tình lan rộng ở đảo quốc này.