"Bàn tay sắt" với người di cư

ANTĐ - Cuộc đụng độ giữa cảnh sát Pháp và người di cư khi lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa khu tị nạn trái phép ở thành phố cảng Calais là tín hiệu cho thấy không chỉ nước Pháp mà châu Âu sẽ cứng rắn, mạnh tay hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

"Bàn tay sắt" với người di cư ảnh 1Cảnh sát chống bạo động và lực lượng chức năng Pháp giải tỏa trại tị nạn trái phép
ở thành phố cảng Calais

Cảnh sát chống bạo động đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán khoảng 150 người di cư đã đốt phá, ném gạch đá và dùng gậy sắt chống đối khi cơ quan hữu trách giải tỏa khu lán trại được gọi là trại “Jungle” này.

Trại “Jungle” đã trở thành một điểm nóng an ninh trật tự từ một năm nay khi hàng nghìn người di cư đến từ Trung Đông và châu Phi đổ đến tạm trú, dựng lều lán tạm bợ ở đây để chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự chế thô sơ, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel. Sau khi được tòa án địa phương “bật đèn xanh” ngày 25-2 vừa qua, nhà chức trách Pháp đã huy động cảnh sát chống bạo động giải tỏa khu trại tị nạn trái phép mà số người tị nạn đã tăng lên tới con số 3.700.

Hành động cứng rắn dẹp bỏ trại tị nạn hình thành tự phát và bất hợp pháp không chỉ  nhằm lập lại trật tự an ninh mà còn được xem là tín hiệu cho thấy chính quyền Pháp sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý vấn đề tị nạn và di dân vốn đã trở thành một cuộc khủng hoảng với cả châu Âu. Biện pháp này được Pháp thực hiện ngay sau khi quốc gia láng giềng là Bỉ ngày 23-2 thông báo áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn người di cư ở Calais kéo vào lãnh thổ Bỉ hòng tìm đường sang Anh.

Có thể nói, hàng triệu người tị nạn từ các điểm nóng chiến tranh, xung đột và nghèo đói ở Trung Đông như Syria, Iraq hay Libya ở Bắc Phi… ồ ạt di cư tới châu Âu đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư chưa từng thấy cho các quốc gia cựu lục địa. Các nước châu Âu đã mâu thuẫn nhau gay gắt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi một số ít quốc gia, đi đầu là Đức, muốn đón nhận và giải quyết nơi ăn chốn ở cho những người phải trốn chạy khỏi chiến tranh, xung đột thì đa phần các quốc gia châu Âu khác muốn mạnh tay để ngăn chặn dòng người di cư.

Các quốc gia, nhất là các nước ở khu vực Tây Balkan như Slovenia, Macedonia, Croatia… nằm trên con đường di cư của hàng triệu người tị nạn từ “điểm đến” đầu tiên Hy Lạp tới các quốc gia Trung và Tây Âu cùng với Áo đã tiến hành các biện pháp cứng rắn như lập hàng rào ở biên giới để ngăn chặn, kiểm soát dòng người di cư. Mới đây nhất, ngày 26-2 vừa qua, các nước Slovenia, Macedonia, Croatia, Serbia và Áo đã tuyên bố áp đặt “hạn ngạch” đối với người di cư, theo đó chỉ cho phép 580 người đi qua biên giới những nước này mỗi ngày trong khi có hàng nghìn người di cư “đổ bộ” vào Hy Lạp một ngày khiến người di cư dồn ứ tại nước này.

Bất chấp lo ngại việc dựng hàng rào, tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả những người nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) gây lo ngại dẫn tới việc đổ vỡ khu vực tự do đi lại Schengen song các nước thành viên vẫn áp dụng để ngăn cuộc khủng hoảng tị nạn vượt tầm kiểm soát. Hành động mạnh tay của Pháp - một quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn trong EU - với người tị nạn có thể tác động không nhỏ tới quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người nhập cư dự kiến diễn ra vào ngày 7-3 tới tại Thủ đô Brussels (Bỉ).