- Hoàng cung Arập Xêút bị tấn công, 2 lính gác thiệt mạng
- Arập Xêút bắn chìm xuồng không người lái chở đầy thuốc nổ
- Arập Xêút đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng tới Thủ đô Riyadh
Hoàng tử Alwaleed bin Talal và vợ thuộc hàng những người giàu nhất thế giới
Đây là hành động mạnh tay đầu tiên của Ủy ban chống tham nhũng Arập Xêút ngay sau khi ra đời theo sắc lệnh của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud. Đứng đầu bởi Thái tử Mohammed bin Salman, Ủy ban này được lệnh thẳng tay trừng phạt những quan tham bởi theo Quốc vương Salman, Arập Xêút không thể tồn tại nếu không ngăn chặn được tham nhũng.
Lâu nay, tham nhũng được coi là căn bệnh trầm kha với Arập Xêút. Năm 2007, dư luận từng “phát sốt” khi báo chí phanh phui vụ BAE Systems, tổ hợp sản xuất thiết bị quốc phòng lớn nhất của Anh, hối lộ hơn 2 tỷ USD cho Hoàng thân Bandar bin Abdulaziz al-Saud, Tổng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Arập Xêút, trong các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho vương quốc này.
Năm 2015, tuần báo Đức Die Zeit tiếp tục làm rung chuyển dư luận khi tiết lộ Đức đã hối lộ vũ khí cho Arập Xêút để giành quyền đăng cai World Cup 2006. Chỉ một tuần sau khi nhận được “quà”, Arập Xêút đã quay lưng lại với Morocco để bầu cho Đức. Còn theo những rò rỉ từ vụ “Hồ sơ Panama” hồi năm 2016, tham gia vào nhiều phi vụ nhận hối lộ trên thế giới mà hồ sơ này phát hiện có các nhà lãnh đạo, hoặc thân nhân của các nhà lãnh đạo đến từ Arập Xêút.
Tuy nhiên, việc trong danh sách các quan chức cao cấp bị Ủy ban chống tham nhũng Arập Xêút vừa bắt giữ có tên hoàng tử Alwaleed bin Talal khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ thật của hành động mạnh tay này.
Alwaleed bin Talal không phải là nhân vật xa lạ. Đây chính là một trong những người giàu nhất thế giới, ông chủ của Tập đoàn đầu tư Kingdom Holding. Alwaleed bin Talal còn nắm cổ phần lớn trong các tập đoàn như News Corp, Time Warner, Citigroup, Twitter, Apple, Motorola… Các mạng lưới truyền hình vệ tinh phủ sóng khắp thế giới Arập cũng do vị hoàng tử này kiểm soát.
Theo phân tích của tờ Straits Times, chiến dịch bắt giữ dường như là động thái mới nhất để củng cố quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman, người con trai được yêu quý và cố vấn hàng đầu của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud. Còn nhớ cuối tháng 6 vừa rồi, cả đất nước Arập Xêút bàng hoàng hay tin thái tử Mohammed Bin Nayef, 57 tuổi, nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống an ninh của Arập Xêút suốt hai thập kỷ qua bị phế truất.
Bất ngờ bị gọi vào cung gặp Quốc vương Salman, ông Mohammed Bin Nayef được yêu cầu thoái lui để nhường lại vị trí cho Mohammed bin Salman với lý do “thái tử nghiện thuốc giảm đau”. Nghe nói sau cuộc đảo chính trong hoàng cung, giờ ông Mohammed bin Nayef đang bị giam lỏng tại nhà và chỉ được phép đi thăm người mẹ lớn tuổi với sự hộ tống của lính gác mới.
Chính vì thế, việc hoàng tử Alwaleed bin Talal, nhân vật giàu có đầy quyền lực, bị bắt đang khiến dư luận nghi ngờ rằng chưa chắc đây là mục tiêu của chiến dịch “bàn tay sạch” chống tham nhũng, mà là nạn nhân tiếp theo của cuộc chiến quyền lực trong cung đình. Có nhiều nguồn tin từ các nhà ngoại giao và nhà chức trách Arập Xêút cho rằng vị Quốc vương 81 tuổi sẽ sớm thoái vị nhường lại ngai vàng cho Mohammed bin Salman, 31 tuổi, con trai cả của vợ ba Quốc vương.
Thậm chí một nhân chứng còn tiết lộ cho hãng tin Reuters rằng, trong tháng vừa qua, vua Salman đã chuẩn bị sẵn thông báo của ông nhượng lại ngai vàng cho con trai Mohammed bin Salman. Thông báo có thể được phát hành bất kỳ lúc nào.