Bàn tay nào trong chính biến ở Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTĐ - Khi tiếng súng của phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng hẳn, mọi sự chú ý đổ dồn vào truy tìm những kẻ chủ mưu. Bất ngờ là căng thẳng không chỉ diễn ra bên trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ mà vượt ra bên ngoài với những lời qua tiếng lại giữa Washington và Ankara. 

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tỏ ra bức xúc trước những cáo buộc của dư luận về việc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông J. Kerry khẳng định rõ rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương giữa hai nước.

Là hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lại đang cùng chiến hào trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhưng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại mâu thuẫn trong nhiều chuyện.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ F. Gulen, người bị cho là chủ mưu đảo chính

Lâu nay, Ankara vẫn luôn cáo buộc giáo sĩ F. Gulen, người dẫn dắt phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ (Hizmet) đang sống lưu vong tại tiểu bang Pennsylvania ở Mỹ, là kẻ tạo mối nguy hiểm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Từng là đồng minh thân cận của đương kim Tổng thống T. Erdogan, năm 1999, ông F. Gulen, năm nay 75 tuổi, buộc phải sang Mỹ lưu vong sau khi bị kết tội phản quốc vì kích động sự nổi dậy trong bộ máy tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lật đổ chính phủ.

Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi ngay sau khi đập tan phe đảo chính, ông T. Erdogan đã lên truyền hình khẳng định, một nhóm sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu đã đảo chính theo “đơn đặt hàng” từ Mỹ, tức từ giáo sĩ F. Gulen. 

Hệ quả là những lực lượng được coi là có thể liên hệ với giáo sĩ F. Gulen ngay lập tức bị trấn áp.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, ngoài gần 3.000 người bị tình nghi dính líu đến âm mưu đảo chính bị bắt giữ, trong đó có các binh sĩ và sĩ quan cấp cao, nhà chức trách nước này còn ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên, những người bị nghi ngờ liên quan đến giáo sĩ F. Gulen.

Trong quá khứ, bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn thể hiện ở chỗ trong lúc Mỹ và phương Tây tìm cách cấm vận Nga sau vụ Cremea, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại ký với Nga hợp tác năng lượng đưa khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ nước này khiến Mỹ và EU tức nghẹn họng.

Ngược lại, khi người Kurd ở Syria và người Kurd phía nam Thổ Nhĩ Kỳ bị ông T. Erdogan coi như là thách thức nguy hiểm đến an ninh, đến sự toàn vẹn lãnh thổ, thì Mỹ công khai ủng hộ, trang bị vũ khí, khiến cho dù đang là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố “Mỹ không phải là bạn”.

Quay trở lại với vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, hiện Tổng thống T. Erdogan đã đề nghị người đồng cấp Mỹ Barack Obama giao hoặc bắt giữ giáo sĩ F. Gulen cho nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là những đối tác chiến lược, thì Tổng thống B. Obama phải hành động.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ B. Yildirim thậm chí còn tuyên bố bất kỳ quốc gia nào bảo vệ và hỗ trợ cho ông F. Gulen, quốc gia đó sẽ bị coi là tuyên bố chiến tranh với Ankara.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn phong tỏa căn cứ không quân Incirlik, nơi có khoảng 1.500 lính Mỹ đang đồn trú. Incirlik là trạm trung chuyển quan trọng, từ đây, các máy bay Mỹ triển khai các cuộc oanh kích chống lực lượng IS ở Syria và Iraq. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã xông vào căn cứ Incirlik bắt giữ Chuẩn tướng không quân Ercan Van cùng nhiều sĩ quan bị cáo buộc hậu thuẫn cuộc đảo chính.

Liệu có “bàn tay Mỹ” trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không chưa ai xác định, nhưng quan hệ Washington - Ankara đang tiếp tục rạn nứt. Washington cho biết sẽ chỉ dẫn độ giáo sĩ F. Gulen nếu Ankara cung cấp các bằng chứng xác đáng về việc ông này có dính líu đến cuộc đảo chính.