"Bán rong" xăng dầu sẽ bị phạt đến 4 triệu đồng

ANTĐ - "Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác". Đó là nội dung dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, đang được Bộ  Công Thương lấy ý kiến.

Cột bơm xăng mini được dùng khá phổ biến

Cụ thể, Điều 37, chương 2 của dự thảo Nghị định này quy định, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, nếu có một trong các hành vi vi phạm như trên, sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Cùng hành vi, mức xử phạt đối với thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối, doanh nghiệp trực thuộc thương nhân đầu mối, chi nhánh của thương nhân đầu mối, chi nhánh của doanh nghiệp trực thuộc thương nhận đầu mối sẽ bị xử phạt nặng hơn, cao nhất đến 120 triệu đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

Dự thảo Nghị định này cũng quy định các hình thức xử phạt liên quan đến hoạt động buôn lậu xăng dầu, kinh doanh xăng dầu không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không điều chỉnh giá bán đúng thời gian quy định… 

Thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây xảy ra không ít sai phạm liên quan đến các hành vi nêu trên. Điển hình là việc doanh nghiệp cắt giảm thời gian bán hàng mà không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, việc sử dụng các cột bơm mini, chai, trụ bơm lắc tay không đảm bảo điều kiện an toàn và chất lượng, đo lường xăng dầu khá phổ biến.