Bản quyền tác phẩm trong sách giáo khoa: Ồn ào quanh con số 20 tỷ đồng

ANTĐ - Trong chương trình phối hợp Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn văn học 2013 - 2020, Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm “chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản”. 

Chưa sòng phẳng việc trả bản quyền tác phẩm trong sách giáo khoa

Từ đây, vấn đề bản quyền tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt và Ngữ văn phổ thông đã được đặt ra với giá trị ước tính lên tới 20 tỷ đồng. Bởi, theo thống kê từ Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, có 590 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn.

Chiều 1-10, trao đổi về vấn đề này Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, sự việc sẽ được giải quyết theo Luật Sở hữu trí tuệ với các quy định về bản quyền. “Việc này không thể giải quyết tùy tiện được. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết của NXB Giáo dục Việt Nam” – Thứ trưởng cho biết. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể như thế nào thì Thứ trưởng xin khất vì quá bận…

Về phía NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin về vụ việc chỉ được thể hiện tại văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ trưởng GD-ĐT về chi phí nhuận bút SGK và mức chi trả tiền bản quyền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK. Theo đó, Tổng Giám đốc Vũ Văn Hùng nêu rõ: “Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn (từ năm 2002 tới năm 2008), NXB Giáo dục Việt Nam đã thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ Văn. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng, NXB Giáo dục Việt Nam trả từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích”. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, một số thông tin về con số chi trả tiền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK là không chính xác. Nguyên nhân do không phân biệt rõ khái niệm “tiền bản quyền” của tác giả có tác phẩm được trích, sử dụng trong SGK và “tiền nhuận bút” của các tác giả biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT phân công, giao nhiệm vụ...

Theo chương trình phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam về “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020”, hàng năm, vào đầu tháng 10, hai bên sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp để rút kinh nghiệm và chỉ đạo trong năm tiếp theo. Hy vọng các bên liên quan sẽ sớm có câu trả lời về cách chi trả cho các tác giả đã có nhiều đóng góp cho SGK phổ thông hiện hành.