Bán quyền khai thác sân bay: Thay vì bàn bạc mãi, hãy làm thử

ANTĐ - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mặc dù rất muốn xã hội hóa đầu tư vào sân bay, nhưng chúng ta còn e ngại. 

Theo ông, “Chủ trương hợp lý thì nên chọn một chỗ nào đó phù hợp để làm thử, hơn là cứ bàn chuyện công bằng cho các bên, minh bạch tránh thất thoát…”.

Phải hạn chế được độc quyền

Thời gian qua, tại Việt Nam, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacifice Airlines liên tục có đề nghị mua lại quyền khai thác sân bay và nhà ga ở Nội Bài, Phú Quốc và Đà Nẵng. Ngoài ra, các công ty tư nhân trong và ngoài nước như Vingroup hay T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) cũng đã có văn bản đề nghị được mua lại một số sân bay và cảng biển. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng cho việc xã hội hóa này.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, mục tiêu cuối cùng của chủ trương huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng là nâng cao phúc lợi xã hội, đồng thời, giúp thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ như: sân bay, cảng biển (với giả định khi có thị trường cạnh tranh thì chất lượng tăng lên và thúc đẩy kinh tế nói chung). Trong đó, hạn chế độc quyền sau khi xã hội hóa là điều cần được quan tâm nhất.

Bán quyền khai thác sân bay: Thay vì bàn bạc mãi, hãy làm thử ảnh 1

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là một trong những cảng hàng không rất được các nhà đầu tư quan tâm

“Dịch vụ hạ tầng bản chất của nó là các dịch vụ độc quyền nên trước hết, cần có thể chế kinh tế cho thị trường này vận hành” - Viện trưởng CIEM nói.

Cụ thể, để có cạnh tranh thì người sở hữu sân bay không được là các hãng hàng không vì họ có lý do để ngăn cản các hãng khác tiếp cận sân bay; Cùng một nhà đầu tư sẽ không được sở hữu nhiều sân bay, nhất là sân bay lớn, sân bay quan trọng, đảm bảo thị trường cạnh tranh cả về chiều ngang và dọc. Về giá cả, Nhà nước không nên can thiệp nhiều quá mà cần thiết lập khuôn khổ để hãng hàng không và sân bay tự thống nhất với nhau.

Tiến sĩ Warren Mundy - Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất của Australia - nước đã thực hiện xã hội hóa đầu tư dịch vụ hàng không  cho hay, hiện nay Australia quy định nhà đầu tư không đồng sở hữu 2 sân bay cùng lúc. Doanh nghiệp nào vận hành sân bay Sydney thì không được sở hữu sân bay Melbourne. Việc quản lý về kinh tế được cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia thực hiện. Theo đó, giá cả về hàng không được quy định bằng cách Nhà nước áp giá trần và mỗi hãng hàng không không được sở hữu quá 5% giá trị tổng tài sản.

Không nên e ngại

Theo ông Nguyễn Đình Cung, khó khăn lớn nhất khi thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ hàng không là chưa có thể chế cần thiết quy định các vấn đề như: chuyển nhượng với giá nào? Xác định giá ra sao? Công bằng, minh bạch, kiểm soát như thế nào để tránh thất thoát tài sản? Sân bay vừa là dân sự, vừa quân sự thì vấn đề an ninh quốc phòng phải xử lý ra sao?…

“Mặc dù muốn thực hiện xã hội hóa nhưng thực tế chúng ta vẫn còn e ngại. Nhà đầu tư đọc được suy nghĩ đó và họ thấy rủi ro vì không lường trước được những thay đổi. Theo tôi, chủ trương hợp lý thì nên chọn một chỗ nào đó phù hợp để làm thử, hơn là cứ bàn bạc mãi” - ông Nguyễn Đình Cung phân tích. Ở giai đoạn đầu thử nghiệm, nên chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm quản lý của họ. 

Tại Australia, việc bán lại các sân bay được tiến hành thông qua đấu giá thương mại. Cơ quan Kiểm toán quốc gia Australia sẽ theo dõi và đánh giá sự nhất quán và minh bạch trong các đợt bán sân bay.

"Ngoài kiểm soát không lưu và cứu hỏa do doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm, nhà đầu tư tư nhân phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển trong tương lai như: xây đường băng, nhà ga mới... và Chính phủ không hỗ trợ ngân sách. Sau khi kết thúc hợp đồng nhượng quyền, nhà đầu tư không được trả lại chi phí đã bỏ ra" – Tiến sĩ Warren Mundy chia sẻ.