Bạn nghiện vừa bị chết vì sốc thuốc, vừa bị lấy xe máy

ANTD.VN - Nguyễn Trọng A (SN 1987) và Đinh Quang T (SN 1989) là 2 đối tượng nghiện ma túy. A lấy xe của mình chở T đi mua heroin rồi thuê nhà nghỉ để cùng sử dụng. Trong quá trình sử dụng heroin, do bị sốc thuốc nên A chết, thấy vậy T hoảng loạn lục túi quần của A lấy vé và chìa khóa xe máy để bỏ trốn. Khi phát hiện vụ việc, chủ nhà nghỉ đã báo công an. Cơ quan  điều tra kết luận nguyên nhân A chết là do sử dụng ma túy. Trong quá trình điều tra, T cũng bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ. T khai nhận, sau khi lấy chiếc xe của A đã đem đi bán để tiếp tục lấy tiền sử dụng ma túy. Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này, Đinh Quang T đã phạm tội gì?

Bạn nghiện vừa bị chết vì sốc thuốc, vừa bị lấy xe máy ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ý kiến bạn đọc

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Theo tôi, mặc dù Đinh Quang T biết chiếc xe máy trên là sở hữu của Nguyễn Trọng A nhưng lợi dụng lúc A bị chết vì sốc ma túy, T đã chiếm đoạt chiếc xe này và sau đó đem đi bán lấy tiền để sử dụng ma túy. Ở đây, về mặt khách quan của tội phạm, T đã lợi dụng tình trạng chủ tài sản là A đã chết, không còn khả năng ngăn cản hành vi của mình để công khai chiếm đoạt chiếc xe máy mà không cần phải dùng đến thủ đoạn gian dối, sử dụng vũ lực và không cần phải chạy thoát khỏi sự đuổi bắt của người quản lý tài sản. Như vậy hành vi này của Đinh Quang T đã phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Anh Tuấn (Việt Trì, Phú Thọ)

Phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản

Quy định của pháp luật về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người phạm tội có hành vi cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi đã có yêu cầu hoặc thông báo của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hợp pháp hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, sau khi A bị chết, thay vì trả lại xe máy cho gia đình của người này thì T lại mang đi bán để lấy tiền sử dụng ma túy. Như vậy, tôi cho rằng hành vi của Đinh Quang T đã cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Đỗ Thuỳ Linh (Quy Nhơn, Bình Định)

Hành vi trộm cắp tài sản

Tôi cho rằng, trong vụ việc này Đinh Quang T đã phạm tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015. Có thể thấy sau khi biết Nguyễn Trọng A chết vì bị sốc thuốc, T đã lục túi quần của A lấy vé xe và chìa khóa xe máy để bỏ trốn. Nếu chỉ vì hoảng loạn, sợ hãi khi thấy A chết thì T đã bỏ chạy khỏi nhà nghỉ nhưng không nhất thiết phải lấy xe. Trong trường hợp này việc T lấy xe của A chính là hành vi lén lút và chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu của chủ sở hữu. Như vậy, tội phạm đã hoàn thành kể từ khi T lén lút chiếm đoạt, dịch chuyển tài sản của A khỏi vị trí ban đầu. Hành vi chiếm đoạt của T được xác định ngay từ thời điểm dịch chuyển đó. Đây là yếu tố để cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Nguyễn Thị Lành (Vũ Thư, Thái Bình) 

Bình luận của luật sư

Theo nội dung vụ việc, có thể thấy rằng hành vi của Đinh Quang T đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là Mua bán trái phép chất ma túy và Chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, để xác định hành vi của T đã phạm tội hay chưa, bị xử lý thế nào thì cần căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền sau khi đã điều tra, xác minh các chứng cứ liên quan. Đối với hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, đây là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào chủng loại, trọng lượng ma túy được mua bán, T có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với hành vi lấy chiếc xe của A rồi đem bán, hành vi của T đã có dấu hiệu Chiếm đoạt tài sản của người khác, thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu. 

Về ý kiến cho rằng T phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này theo chúng tôi T không phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172, Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gồm có các đặc điểm sau: (1) Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội; (2) Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai; (3) Sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Mặc dù hành vi này không bắt buộc phải có nhưng có thể xảy ra. Trong các đặc điểm trên, đặc điểm nổi bật của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội, hoặc nếu có thì không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai và trắng trợn của hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình. Trước, trong và sau khi bị mất tài sản, người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được). Trong vụ việc này, khi T chiếm đoạt chiếc xe máy thì chủ tài sản là A đã chết do bị sốc thuốc từ trước đó. Như vậy hành vi của T không thể cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Về ý kiến cho rằng hành vi của T đã cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, hành vi khách quan của tội Chiếm giữ trái phép tài sản trước hết, người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được). Trong trường hợp bị giao nhầm, cần xác định người phạm tội hoàn toàn không có thủ đoạn nào để bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản cho mình, nếu người phạm tội có thủ đoạn gian dối để bên giao tài sản nhầm mà giao tài sản cho mình thì không phải là bị giao nhầm mà là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp tìm được tài sản, trong một số trường hợp cần xác định tài sản mà người phạm tội tìm được là việc tìm kiếm trái phép, nếu việc tìm kiếm đó được phép hoặc Nhà nước không cấm thì tài sản tìm được thuộc quyền sở hữu của người tìm được. Bắt được (nhặt được) tài sản là trường hợp nhặt được của rơi.

Hành vi không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp trong trường hợp này là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm. Đối chiếu với trường hợp này việc T lấy chiếc xe máy của A để bỏ trốn và sau đó bán lấy tiền sử dụng ma tuý không phải là hành vi tài sản bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được mà có dấu hiệu của hành vi Cố ý chiếm đoạt tài sản. Do đó, theo chúng tôi T không phạm tội Chiếm đoạt trái phép tài sản.

Xét diễn biến sự việc T lấy chiếc xe máy sau khi A đã chết vì sốc thuốc, T không trực tiếp gây ra cái chết cho A, không có hành vi đe dọa, dùng vũ lực với chủ sở hữu tài sản nên không có dấu hiệu của tội cướp hay cưỡng đoạt tài sản. Về nguyên tắc, tài sản của một người đã chết thuộc sở hữu của những người thừa kế, việc lấy tài sản của một người đã chết, không có mặt những người thừa kế là có dấu hiệu lén lút. Hành vi lén lút này phù hợp với mặt khách quan của tội Trộm cắp tài sản. Cụ thể là đặc trưng của tội Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt được thực hiện  một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết việc chiếm đoạt đó. Như vậy theo chúng tôi, trong vụ việc này có thể xem xét trách nhiệm của T về tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, khi xử lý cần lưu ý đến việc định giá giá trị của chiếc xe máy, bởi hành vi trộm cắp tài sản chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu trị giá tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, Văn phòng luật sư Hùng Mạnh