Bán ma túy giả có phạm tội lừa đảo?

ANTD.VN - Hoàng Quốc Công (SN 1976), mua được 2kg heroin của Vàng A Phương (SN 1983). Sau đó Công thuê Nguyễn Hoàng Khánh chuyển số heroin này cho một người tên là Hoàng với tiền công là 20 triệu đồng. Biết là hàng cấm nhưng do đang cần tiền nên Khánh đã đồng ý. 

Trên đường vận chuyển Khánh đã bị cơ quan công an bắt giữ cùng tang vật là gói hàng 2kg heroin. Khánh đã thành khẩn khai báo toàn bộ sự việc. Số hàng do Khánh vận chuyển sau đó đã được đưa đi giám định. Tuy nhiên, theo kết quả giám định thì đó là ma túy giả. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra cũng xác định được rằng Vàng A Phương tuy biết số heroin là giả nhưng vẫn bán cho Công. Ngoài ra trên đường vận chuyển, do biết được giá trị của số ma túy, Khánh đã lấy khoảng 50gam giấu đi và đánh tráo bằng 50 gam bột trắng (ma túy giả). 

Bán ma túy giả có phạm tội lừa đảo? ảnh 1Ảnh: Internet

Vấn đề đặt ra là với việc bán heroin giả cho Hoàng Quốc Công, Vàng A Phương có phạm tội lừa đảo hay không? Nguyễn Hoàng Khánh sau khi đánh tráo ma túy giả có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình? 

Ý kiến bạn đọc 

Không phạm tội lừa đảo

Tôi cho rằng trong trường hợp người phạm tội nhầm tưởng hàng hóa mà mình đang tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt là chất ma túy và nghĩ là chất ma túy nhưng thực tế không phải là ma túy thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi tương ứng theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự. Do đó theo tôi chỉ có thể có căn cứ truy cứu trách nhiệm các đối tượng này về tội danh tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Hành vi lừa đảo nếu có cũng chỉ phục vụ cho mục đích buôn bán ma túy của các đối tượng này.

Hoàng Sơn Đông (Ba Vì - Hà Nội)

Các đối tượng đã phạm tội lừa đảo 

Trong vụ việc trên, đối tượng Vàng A Phương dù biết ma túy là giả nhưng vẫn cố tình bán cho Hoàng Quốc Công. Như vậy Vàng A Phương chắc chắn đã phải có những hành vi gian dối, lợi dụng lòng tin để người mua ma túy tin rằng ma túy mình bán ra là ma túy thật và đưa tiền cho mình. Trong trường hợp này thì hành vi của đối tượng Vàng A Phương đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội lừa đảo. Cụ thể Vàng A Phương vì mục đích thu tiền, chiếm đoạt tài sản và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, nên dù biết không phải là chất ma túy nhưng vẫn cố tình lừa đảo làm cho Hoàng Quốc Công tưởng thật và mua. Theo tôi có cơ sở để truy tố các đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự. 

Nguyễn Tuyết Nhung (Bình Thạnh - TP.HCM)

Nguyễn Hoàng Khánh chỉ phạm tội vận chuyển ma túy

Khó có thể truy cứu trách nhiệm của Nguyễn Hoàng Khánh về hành vi trên đường vận chuyển đã lấy khoảng 50gam ma túy của Hoàng Quốc Công giấu đi và đánh tráo bằng 50gam ma túy giả. Trước đó, do số heroin mà Khánh vận chuyển cho Công đã là heroin giả, nên khi Khánh thay bằng heroin giả khác có trọng lượng tương đương thì bản chất của số heroin mà Khánh vận chuyển cho Công là không thay đổi. Theo tôi, Khánh chỉ phạm tội khi số lượng ma túy mà Khánh vận chuyển là heroin thật, Khánh đánh tráo heroin giả vào đó thì về bản chất lúc này Khánh mới thực sự là có hành vi chiếm đoạt.

Phan Anh Tuấn (Lê Chân - Hải Phòng)

Bình luận của luật sư 

Theo quy định của pháp luật, đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự bắt buộc hàng hóa vận chuyển, mua bán trái phép phải là chất ma túy. Trường hợp người phạm tội nhầm tưởng hàng hóa mà mình đang tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt là chất ma túy và nghĩ là chất ma túy nhưng thực tế không phải là ma túy thì vẫn bị truy cứu trách nhiêm hình sự về các hành vi tương ứng theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi của Vàng A Phương, theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12- 2007 của Bộ Công An - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999: “Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này”. Như vậy, hành vi của Vàng A Phương cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự dựa vào các dấu hiệu pháp lý sau:

Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 2 hành vi khác nhau đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Ở đây, Phương đã bán cho Công heroin là hàng giả, Phương biết rõ đó là hàng giả và cố tình bán cho Công. Phương thực hiện hành vi lừa dối Công bán số heroin giả cho Công để kiếm lời, nhằm thực hiện việc chiếm đoạt. Vì tin Phương mà Công đã nhận nhầm tài sản, cụ thể là heroin mà thực chất là hàng giả. Về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của Vàng A Phương thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp. Phương biết mình có hành vi lừa dối, biết số heroin đó là hàng giả nhưng vẫn bán cho Công và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản. Như vậy, Phương đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Trong tình huống này, Khánh được Công thuê để chuyển heroin với số tiền là 20 triệu đồng. Tuy nhiên chưa thể khẳng định Khánh có biết được mục đích Công nhờ vận chuyển ma túy là để mua bán hoặc nhằm mục đích khác hay chưa. Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP: “Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy… trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện… có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.

Với quy định trên, với tình huống này, để định tội danh cho Khánh có thể chia thành 2 trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu Khánh vận chuyển ma túy cho Công mà không biết mục đích để mua bán thì Khánh sẽ bị truy cứu về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự. Thứ hai, nếu Khánh vận chuyển ma túy cho Công mà biết rõ mục đích để mua bán của Công thì Khánh phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua, bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm (người giúp sức). Như vậy, hành vi của Khánh sẽ bị truy tố với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trên đường vận chuyển Khánh đã lấy khoảng 50gam giấu đi và đánh tráo bằng 50gam ma tuý giả, trong trường hợp này, hành vi của Khánh đã cấu thành tội chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự. Theo khái niệm, hành vi chiếm đoạt chất ma túy là hành vi chuyển chất ma túy của người khác thành chất ma túy của mình dưới bất kỳ thủ đoạn nào.

Theo tiểu mục 3.4 phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP có quy định như sau: “Chiếm đoạt chất ma túy là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác”. Như vậy, ta có thể xác định hành vi của Khánh là tội chiếm đoạt chất ma tuý theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự.

Trong tình huống này thì hành vi của Khánh là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chất ma túy. Bởi chất ma túy được giao dựa trên hợp đồng thuê vận chuyển chất ma túy đã được ký kết giữa Công và Khánh. Tuy ban đầu khi được Công giao chất ma túy để vận chuyển Khánh không có ý định chiếm đoạt nhưng sau đó vì biết được giá trị của ma túy nên Khánh đã thực hiện hành vi gian dối là đánh tráo 50gam heroin bằng 50gam bột trắng (ma tuý giả). Như vậy, trong khi thực hiện hành vi gian dối của mình Khánh đã có ý thức chiếm đoạt chất ma túy.

Ngoài ra, ta có thể thấy trong vụ việc này Khánh đã thực hiện 2 hành vi trái pháp luật hoàn toàn độc lập với nhau là vận chuyển trái phép chất ma túy và chiếm đoạt chất ma túy được quy định trong cùng một điều luật là Điều 194, Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại điểm c, tiểu mục 3.5 phần I của Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn: “Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của Bộ luật Hình sự mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt chung”. Như vậy 2 hành vi trái luật độc lập sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự độc lập. Do đó, trong trường hợp này Khánh bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy và chiếm đoạt chất ma túy.