Bán lẻ Việt Nam trước "cơn lốc" hàng ngoại: Chậm chân sẽ thua cuộc

ANTĐ - Hàng tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại và các cửa hàng kinh doanh theo kiểu đại lý. Nếu chúng ta không nhanh chóng cải tiến hệ thống phân phối thì không chỉ ngành bán lẻ mà nhiều ngành sản xuất cũng lâm nguy.
Bán lẻ Việt Nam trước "cơn lốc" hàng ngoại: Chậm chân sẽ thua cuộc ảnh 1

Hội chợ hàng Thái Lan luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng Việt

Từ trăm nghìn chiêu hút khách

Là người am hiểu về thương mại và bán lẻ, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục khuyến mãi, giảm giá sâu trong khi không nhà bán lẻ Việt Nam nào làm được như vậy. “Cùng là hộp sữa đặc có đường, họ khuyến mãi 5.000 đồng/hộp; mì chính loại 450g, họ bán 9.000 đồng/gói, trong khi siêu thị nội bán đắt gấp 2-3 lần.

Cùng can dầu ăn Simply 5 lít, Lotte Mart bán chỉ 206.000 đồng/can, nhưng siêu thị nội bán giá cao hơn đến 16.000 đồng/can” - vị này liệt kê. Đến cuối ngày, các nhà bán lẻ ngoại vẫn tranh thủ “vét” khách bằng cách giảm giá rất sâu các mặt hàng chế biến trong ngày như: bánh mì từ 3.500 đồng/chiếc xuống còn 1.000 đồng/chiếc; thức ăn chế biến sẵn giảm giá đến 50%. Từ khi mở cửa đến khi đóng cửa, siêu thị ngoại luôn tấp nập khách hàng, trái ngược hẳn với một số siêu thị của doanh nghiệp trong nước. 

Không dừng ở đó, họ còn thay đổi cách thức trưng bày hàng hóa liên tục để kích thích sự hào hứng của khách hàng. Chẳng hạn, Lotte Mart của nhà đầu tư Hàn Quốc cứ khoảng 4 ngày lại thay đổi cách bài trí hàng hóa một lần. “Nhân viên luôn mỉm cười với khách. Tủ kính, cửa hàng sạch bóng, sáng choang, kèm theo giá rẻ nên rất thu hút khách hàng. Ngoài ra, họ còn khéo léo đưa hàng nước họ vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam”- ông Vũ Vinh Phú nói. 

Đến chiến lược giới thiệu hàng ngoại nhập

Thời điểm hiện tại, hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam đã ổn định được hệ thống phân phối. Nhóm hàng xuất xứ Thái Lan được tiêu dùng phổ biến tại Việt Nam là sản phẩm điện máy, đồ gia dụng và hóa mỹ phẩm. Hàng điện máy không chỉ xuất hiện tại hệ thống siêu thị Nguyễn Kim (nơi có nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần) mà cả Pico, HC… Hàng gia dụng và hóa mỹ phẩm chủ yếu được phân phối qua hệ thống cửa hàng kinh doanh theo kiểu đại lý. Chỉ riêng một đoạn ngắn của phố Tây Sơn (Hà Nội) đã có 4-5 điểm bán hàng Thái Lan theo kiểu đại lý. 

Một chuyên gia nghiên cứu về mua bán sáp nhập doanh nghiệp cho biết: “Nhà đầu tư Thái Lan muốn mua lại Metro đã từng tuyên bố, nếu họ sở hữu 19 siêu thị Metro trên toàn quốc, thì 60% hàng hóa trong Metro sẽ là hàng Thái, 40% còn lại là hàng từ các nước khác trong đó có hàng Việt Nam. Khi đó, liệu hàng Việt Nam còn đất sống”? Theo thống kê của Bộ Công Thương, tháng 8-2015, kim ngạch nhập khẩu hàng Thái Lan vào Việt Nam đạt 730 triệu USD, bằng 110,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này bằng 117,2% năm ngoái. Như vậy, hàng Thái vẫn không ngừng gia tăng tại thị trường Việt Nam.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú cho hay, chưa kể các cửa hàng tiện ích bán hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, riêng Lotte Mart tại Tây Sơn đã dành hẳn 1 tầng để trưng bày và bán hàng của Hàn Quốc. Họ còn tổ chức “Tuần lễ hàng Hàn Quốc” để khách Việt làm quen với hàng nhập. Tương tự, với Fivimart, sau khi được nhà đầu tư Nhật Bản (Aeon) mua cổ phần, tỷ lệ hàng Nhật Bản tại đây cũng tăng lên. 

Lật ngược thế cờ?

Khái quát về bức tranh của ngành bán lẻ Việt Nam, một chuyên gia kinh tế cho biết: “Trong khi một siêu thị nội có tiếng trên phố Tây Sơn có doanh thu chỉ khoảng 100 triệu/ngày thì Lotte Mart lại có doanh số khoảng 1 tỷ đồng/ngày. Hapro tại 102 Thái Thịnh đóng cửa, dù không công bố rõ lý do nhưng chắc hẳn do vắng khách, khó cạnh tranh với các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài gần đó. ”. Hệ thống phân phối là “yết hầu” của nền kinh tế, là đầu ra quyết định sản xuất.

Nếu phân phối rơi vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài thì nhiều ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Với thực trạng bán lẻ như trên, trong cuộc đua với Big C, Metro, Lotte, liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể lật ngược thế cờ?

Từ bài học thành công của Co.opmart, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, điều cốt yếu nhất để không bị thua trên sân nhà là lãnh đạo của doanh nghiệp phải chịu đổi mới và học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài. Theo vị chuyên gia này, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong hội nhập là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, sau khi hợp tác với doanh nghiệp này, doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi cách quản trị, làm chủ công nghệ và “lật ngược thế cờ”, thậm chí có thể mua bán, sáp nhập lại doanh nghiệp nước ngoài khi đủ mạnh. Theo các chuyên gia, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần thực hiện chính sách ưu đãi công bằng giữa nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoại. Đồng thời, có chiến lược phát triển ngành bán lẻ một cách cụ thể, thay vì đưa ra đề án chung chung, không biết nguồn nhân lực, vật lực ở đâu để thực hiện?