Bán lẻ hiện đại tiến về ngoại thành

ANTĐ - Các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được xây dựng ở khắp các huyện ngoại thành của Hà Nội là mục tiêu lớn của ngành công thương Thủ đô. Bộ mặt ngành thương mại Hà Nội sẽ văn minh, hiện đại không kém các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bán lẻ hiện đại tiến về ngoại thành ảnh 1
Người dân ngoại thành ngày càng yêu thích bán lẻ hiện đại

Lợi thế về thị trường, quỹ đất

Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mạng lưới siêu thị sẽ được phân bố theo không gian đô thị của thành phố. Bên cạnh hệ thống bán lẻ đồ sộ ở các quận nội thành thì siêu thị, trung tâm thương mại cũng được triển khai xây dựng tại các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn… Dự kiến, với quy mô dân số đến năm 2020 ở khu vực này đạt 722.000 người, đến năm 2030 đạt 1.377.000 người, khu vực này sẽ hình thành 4 siêu thị hạng 1; 26 siêu thị hạng 2; 308 siêu thị hạng 3. Không dừng lại ở đó, các thị trấn với quy mô dân số thấp hơn cũng sẽ có 3 siêu thị hạng 2; 27 siêu thị hạng 3 được xây dựng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ngoại thành. 

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Trước đây, Hà Nội gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, kinh doanh… thì từ khi mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), thành phố thuận lợi hơn trong việc sắp xếp, bố trí lại sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, bởi điều kiện quỹ đất rộng lớn”. 

Trên thực tế, mô hình thương mại hiện đại đã phát triển tương đối mạnh mẽ tại một số vùng ngoại thành Hà Nội trong những năm gần đây. Hệ thống các siêu thị điện máy, điện thoại di động… đã được đưa về đến thị trấn. Riêng mô hình siêu thị tổng hợp, người dân Hà Nội biết đến 2 doanh nghiệp tiên phong là Lan Chi và Hiền Lương. Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Lan Chi Business cho biết, tính đến đầu năm 2012, Lan Chi đã xây dựng hệ thống gồm 9 siêu thị tại một số huyện, thị xã phía Tây Hà Nội, với hệ thống kho chứa và trung tâm bán lẻ với tổng diện tích mặt sàn lên đến trên 80.000m2. 

Trong tương lai, các trung tâm mua sắm hiện đại sẽ được triển khai đến tận cấp xã để vừa tạo thói quen mua sắm hiện đại, văn minh cho người dân khu vực ngoại thành; vừa cung cấp nguồn hàng dồi dào, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sẵn sàng dự trữ hàng hóa trong dịp lễ, Tết hay mùa mưa bão.

Xu hướng tất yếu

Chia sẻ về chương trình đưa hạ tầng thương mại hiện đại về ngoại thành, ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) Hà Nội cho rằng: “Đây là xu hướng tất yếu và cần được khuyến khích. Nhưng nên tiến hành từng bước chắc chắn, tránh xây dựng, cải tạo rồi bỏ hoang, không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh”. Theo vị chuyên gia này, hiện nay, Hà Nội là một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới với hơn 3.000 km2, dân số trên 7 triệu người. Mỗi ngày, người dân Thủ đô tiêu dùng gần 6.000 tỷ đồng hàng hóa, lương thực thực phẩm… Với nhu cầu mua sắm lớn như vậy, người dân Hà Nội vẫn được đáp ứng trong mọi tình huống.  

Theo bà Trần Thị Phương Lan, việc tìm giải pháp phát triển thương mại hiện đại ở ngoại thành Hà Nội là trăn trở lớn của ngành công thương Thủ đô. Thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn để không chỉ người dân nội thành mà cả ngoại thành cũng được giao lưu, mua sắm văn minh, hiện đại.