Băn khoăn số phận các “cụ tù nhân”

ANTĐ - Ngồi trên chiếc xe lăn rời khỏi phiên tòa tuyên bố tha bổng mình, Anthony D. Marshall trông cực kỳ yếu ớt. 4 năm trước, người đàn ông 89 tuổi này bị kết tội cướp tài sản của mẹ mình. Marshall, cùng với kẻ giết người James Bulger (85 tuổi) và trùm lừa đảo Bernard Madoff (76 tuổi) chính là đại diện cho thách thức đang ngày một lớn của ngành tư pháp Hoa Kỳ - sự lão hóa tù nhân.

Ernest Wadlington trong những ngày tháng cuối cùng tại nhà tù Angola

Nhắm mắt không an lòng

Jimmy Johnston, 71 tuổi, thụ án chung thân ở nhà tù Angola (bang Louisiana) vì tội giết người, bị ung thư xương và đang trải qua quá trình xạ trị. “Có lẽ tôi sẽ được chôn cất ở đây trong một vài năm tới”, Johnston nói, ám chỉ đến nghĩa trang nhà tù. Johnston bị ám ảnh bởi trường hợp một người bạn tù của mình, Ernest Wadlington, người qua đời ở tuổi 90 tại đây. Năm 2008 Ernest được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson và bệnh tình của ông này ngày càng tồi tệ. Ernest chỉ mong mình sẽ được tha bổng để có thể trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà, trong nghĩa trang Abbeville, nơi ông đã đặt chỗ. Cathy Duhon Wadlington, con gái Ernest, cho biết gia đình đã nhiều lần xin ân xá nhưng những nỗ lực đó không thành. Ernest qua đời ngày 29-1-2013 tại Angola, vài ngày sau chuyến thăm cuối cùng của gia đình. 

Tương tự, vào năm 2006, thỉnh cầu ân xá sớm của một tù nhân bị đột quỵ và trong tình trạng sống thực vật đã bị tòa án California từ chối. Mặc dù ông đã “không có hy vọng phục hồi”, song cơ quan tư pháp bác bỏ với lý do tuổi thọ của ông không thể xác định được. Và kết quả là người này vẫn ở trong tù với tình trạng liệt nửa người. Nhân viên y tế nói ông không thể trò chuyện và “phải hỗ trợ trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày “.

Một câu hỏi được đặt ra: xã hội được gì khi giam giữ những con người thậm chí không còn nhận thức được mình đang bị giam giữ?  

Đề xuất “nới” quy định tạm tha

Theo một báo cáo của nhà chức trách Mỹ, trong năm 2012 có khoảng 246.000 người trên 50 tuổi đang thụ án trên khắp các nhà tù ở đất nước này.  Đến năm 2030, con số đó được dự đoán sẽ lên đến 400.000. Bà Inimai Chettiar, Giám đốc Trung tâm tư pháp Brennan thuộc Đại học Luật New York khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này là do những chính sách quá nghiêm khắc của cơ quan tư pháp Mỹ. “Như trường hợp tù nhân Marshall, có thể xem xét để quản thúc tại gia hoặc quản chế thay vì khả năng sẽ phải giam giữ từ 1-3 năm”, bà Chettiar nói.

Các khoản chi phí liên quan đến việc giam giữ tù nhân cao tuổi gây áp lực đáng kể về tài chính. Trong khi đó, ông Michael Horowitz – quan chức ngành thanh tra thuộc Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh rằng quy trình xem xét việc ân xá cho tù nhân mắc bệnh hiểm nghèo được “quản lý rất kém”. Trong tổng số 208 trường hợp thỉnh cầu “ân xá nhân đạo” đã được phê duyệt trong giai đoạn 2006-2011, 28 người đã chết trong khi chờ lệnh ân xá được thực thi.

Để giải quyết tình trạng này, cơ quan lập pháp tiểu bang Louisiana năm 2011 đã thông qua một đạo luật, trong đó tù nhân cao tuổi được tham gia một buổi điều trần tạm tha nếu ủy ban phán xét họ không còn là mối đe dọa cho xã hội. Tuy nhiên, chương trình này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm, tổ chức bảo vệ nạn nhân, họ cho rằng ân xá cho những tội ác phi bạo lực có thể hợp lý nhưng với những tội ác bạo lực thì không.