Băn khoăn đề xuất bổ sung quyền được chết

ANTĐ - Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào dự thảo quy định về quyền được chết, hay còn gọi là quyền an tử, cái chết nhân đạo. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, Vụ đưa ra đề xuất này xuất phát từ thực tiễn. Hiện nay, tại các bệnh viện, hàng ngày, các bác sĩ chứng kiến không ít người bệnh rơi vào trường hợp không thể cứu chữa được nhưng cũng không chết ngay được, chẳng hạn như các trường hợp sống thực vật hay người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Họ phải chịu đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn về tinh thần, nhiều người không muốn sống nữa, thậm chí có người mong được bác sĩ giúp họ “ra đi” một cách êm ái, thanh thản.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, trên thế giới hiện có 4 quốc gia cho phép thực hiện điều này, gồm: Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ. Ở nước ta, với quy định hiện hành, nếu bác sĩ “giúp” người bệnh chết thì về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu pháp luật bổ sung quyền được chết, thì việc giúp cho người bệnh sớm ra đi một cách thanh thản có thể thực hiện được.

Cụ thể, khi bệnh nhân tỉnh táo, năng lực đủ hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi trở lên thì họ có quyền lựa chọn cho mình cái chết nhân đạo và nếu lựa chọn thì họ có thể có chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với những trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về phía gia đình. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này sáng 22-4, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành như thế nào cũng rất khó, nhất là khi các bác sĩ đều ý thức được trách nhiệm cao quý nhất của ngành y là cứu người.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc luật hóa quyền được chết sẽ rất nguy hiểm. “Không có cái gì được gọi là cái chết nhân đạo. Ngay cả các nước châu Âu, người ta cũng cố gắng giúp kéo dài sự sống cho người bệnh càng lâu càng tốt thay vì nghĩ cho họ cái chết nhân đạo” - TS Nguyễn Tiến Dũng nói.