Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946 được tái hiện trong "Lời thề quyết tử"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ký ức hào hùng trong 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội-mùa đông năm 1946 được tái hiện qua trưng bày “Lời thề quyết tử”, để mỗi người dân càng thêm tự hào và quyết tâm tô thắm truyền thống vẻ vang của “Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình”.

Trưng bày "Lời thề quyết tử” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, là hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) và 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021).

Không gian trưng bày đưa du khách quay trở lại khung cảnh đường phố Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đó là trận địa được dựng từ những chướng ngại vật như bàn, ghế, cánh cửa, bao cát để ngăn chặn xe cơ giới của địch.

Là những bức tường được đục thông từ nhà này sang nhà khác để hình thành con đường bí mật trong lòng thành phố. Trên những bức tường còn in dấu những khẩu hiệu do chiến sỹ và người dân viết lên: “Sống chết với Thủ đô”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Hà Nội - Thăng Long xưa bất diệt”…

Hình ảnh người chiến sỹ quyết tử dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch. Ảnh: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Hình ảnh người chiến sỹ quyết tử dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch. Ảnh: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Đặt ở vị trí trang trọng, nổi bật nhất là hình ảnh người chiến sỹ quyết tử dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch. Người lính trẻ trong tư thế hiên ngang, ánh mắt kiên định, bất chấp hy sinh, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu để bảo vệ cả thành phố phía sau.

Ngoài ra, hình ảnh Hà Nội tưng bừng cờ hoa trong ngày đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về cũng được thể hiện với điểm nhấn là chiếc xe chở đầy những bông hoa đủ màu sắc.

Trưng bày được thể hiện qua ba phần: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Hà Nội vùng đứng lên” và “Tiến về Hà Nội”.

Trong đó, phần trưng bày “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” khái quát lại những mốc lịch sử trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Theo đó, chỉ ít thời gian sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Cùng với “nạn ngoại xâm” là “nạn đói”, “nạn dốt” hoành hành, tình thế đất nước tựa như “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo: ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt -Pháp ngày 14/9/1946 nhằm giữ vững độc lập dân tộc và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng kháng chiến.

Một góc trưng bày "Lời thề quyết tử"

Một góc trưng bày "Lời thề quyết tử"

Nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với câu nói bất hủ: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Phần trưng bày “Hà Nội vùng đứng lên” là bản hùng ca bất tử của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa, chiến đấu kiên cường bảo vệ Thủ đô.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội rầm rập chuẩn bị kháng chiến. Khi hiệu lệnh tiến công vang lên, trong phút chốc cả thành phố đã biến thành trận địa với những ụ chiến đấu, giao thông hào.

Khắp nơi nhân dân khẩn trương khuân bàn ghế, tủ chè, sập gụ, quầy hàng, hương án, hòm xiểng và hàng trăm đồ đạc quý giá khác quăng ra đường. Anh em tự vệ nổ mìn, chặt cây, ngả cột đèn chắn ngang đường phố làm chướng ngại hàng cây số để cản trở cơ giới của giặc. Công nhân xe lửa, xe điện đánh đổ đầu tàu, toa tàu để ngăn cản các ngả đường Cửa Nam, Khâm Thiên, phố Huế…

Trong 60 ngày đêm khói lửa giam chân địch trong lòng thành phố, hình ảnh những chiến sỹ quyết tử giữa làn đạn, những vệ út dũng cảm năm xưa mãi là niềm tự hào khắc ghi trong trang sử vàng của dân tộc và Thủ đô anh hùng.

Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của Trung đội trưởng Trần Thành (Nguyễn Văn Thiềng), Tiểu đoàn 77 trong trận chiến đấu bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu (nay là số nhà 18, phố Nguyễn Du, Hà Nội), đồng chí Lê Gia Đỉnh - Chính trị viên của Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn trong trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ); cảm tử quân Đỗ Văn Thìn trong trận chiến đấu bảo vệ khu vực chợ Đồng Xuân…

Sau cùng, phần trưng bày "Tiến về Hà Nội” kể câu chuyện về cuộc chiến đấu trong lòng Hà Nội thời tạm chiếm và tái hiện không khí lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội khi tưng bừng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (10/10/1954).

Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút lên căn cứ kháng chiến, Hà Nội tạm rơi vào tay địch. Lần thứ hai quay trở lại Hà Nội, thực dân Pháp ra sức thực thi chế độ quân quản, đàn áp phong trào kháng chiến. Nhưng kẻ địch chỉ chiếm được Hà Nội mà không chiếm được lòng người.

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bên hồ Hoàn Kiếm

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bên hồ Hoàn Kiếm

Tinh thần yêu nước nồng nàn vẫn bừng sáng, dậy thành những làn sóng bất diệt. Người dân vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, tham gia hoạt động kháng chiến. Nhiều cán bộ, bộ đội, du kích đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở. Các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên vẫn bùng lên mạnh mẽ.

Sau 9 năm gian khổ, cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). Người dân Hà Nội càng thêm nức lòng, háo hức chuẩn bị cho ngày đoàn quân thắng trận trở về. Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô vinh dự giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến về trong rừng cờ hoa hân hoan chào đón. Sau bao năm tháng cách xa, nhiều chiến sỹ đã được trở về với quê hương, được gặp lại người thân trong chan chứa niềm vui, nước mắt.

Trưng bày “Lời thề quyết tử” kéo dài đến hết tháng 3/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.