Bán hàng trả góp - “mảnh đất” mới để tội phạm lợi dụng?

ANTĐ - Mua hàng trả góp là hình thức kinh doanh đang ngày càng phổ biến, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi sự tiện lợi. Tuy nhiên, do các chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng còn thiếu chặt chẽ nên phương thức giao dịch này đang bị nhiều kẻ xấu lợi dụng.

Cảnh sát thu giữ các giấy tờ tùy thân bị làm giả tại vụ lừa đảo ở siêu thị Media Mart

Kịch bản qua mặt siêu thị

Cách đây vài tháng, tại nhiều siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua hàng trả góp. Thủ đoạn được các đối tượng phạm tội là làm giả giấy tờ tùy thân, sau đó ký hợp đồng tín dụng cho vay tiền mua trả góp. Mục đích của chúng là hưởng phần chênh lệch giữa giá trị của sản phẩm so với khoản tiền ban đầu bỏ ra để đặt cọc. Theo thống kê của cơ quan Công an, nhiều hệ thống siêu thị điện máy ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng này. Loại hàng bị chiếm đoạt chủ yếu là các sản phẩm đắt tiền như máy tính bảng, ĐTDĐ iPhone…

Sau nhiều ngày điều tra, cuối tháng 10 vừa qua, CAQ Hà Đông (TP Hà Nội) đã bắt quả tang nhóm lừa đảo quê ở Thái Bình, gồm Lê Thị Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thanh Tùng và Trương Văn Thạo. Theo lời khai của kẻ chủ mưu Lê Thị Ngọc Quỳnh, trong một lần đi xe buýt, cô ta thấy nhiều áp phích giới thiệu về hình thức mua hàng trả góp nên đã nảy ý đồ kiếm tiền bất chính. Biết được thủ tục mua hàng trả góp chỉ cần một số giấy tờ tùy thân, kèm theo số điện thoại của người quen để xác minh, Quỳnh đã dán ảnh cô ta vào giấy tờ tùy thân… mang tên người khác, đồng thời cung cấp các số điện thoại của đồng bọn để “khớp” thông tin. 

Mấu chốt trong vụ án này là Quỳnh và đồng bọn đã làm thế nào để có tiền đặt cọc khi mua hàng và kiếm được các loại giấy tờ tùy thân của người khác để làm giả. CQĐT xác định, “nhà tài trợ” chính cho hoạt động phạm pháp của Quỳnh cùng đồng bọn là Nguyễn Thanh Tùng, chủ 1 quán internet. Tùng đảm nhiệm việc tiêu thụ tài sản do Quỳnh mang về, nhưng trước đó, anh ta “bơm” tiền cho Quỳnh đi đặt cọc, đồng thời săn lùng CMND, Giấy phép lái xe cung cấp cho nhóm lừa đảo. Những giấy tờ này được Tùng thu gom tại một số hiệu cầm đồ ở Thái Bình. Cho đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do chính sách chăm sóc khách hàng ở các hệ thống siêu thị khá giống nhau nên tình trạng lừa đảo không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn xuất hiện ở nhiều cửa hàng, trung tâm, siêu thị điện máy trên cả nước. Mới đây, Công an quận 1 (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố bị can đối với 3 đối tượng là Nguyễn Hoàng Phương, Trần Phương Trung và Dương Thanh Hùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự. 

Quản lý lỏng lẻo

Như phân tích của chỉ huy CAQ Hà Đông, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, bất kỳ siêu thị, trung tâm mua sắm nào siết chặt thủ tục bán hàng trả góp sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất khách. Trong khi, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm bán trả góp đều ký hợp tác kinh doanh với các công ty tài chính có vốn nước ngoài. Khi đó, các siêu thị bán hàng hóa nhưng trách nhiệm thanh toán, thu hồi khoản nợ của người mua lại thuộc về các công ty tài chính. 

Theo tìm hiểu của PV, người tiêu dùng khi mua hàng trả góp sẽ thanh toán một phần giá trị sản phẩm. Số tiền còn thiếu được công ty tài chính cho vay thông qua hợp đồng tín dụng cho vay tiền mua hàng trả góp. Lúc này, khách hàng sẽ phải cung cấp các giấy tờ và chấp thuận các điều khoản do phía cho vay tài chính áp dụng. Khi đó, tổng số tiền khách hàng phải trả sẽ bao gồm tiền mua sản phẩm, tiền lãi phát sinh (theo thỏa thuận) và tiền bảo hiểm đối với khoản vay. Vì thế, khi rủi ro xảy ra, bị hại không phải là các siêu thị, trung tâm mua sắm mà là công ty tài chính.

Đánh giá về hoạt động mua bán trả góp hiện nay, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội cho rằng, do thiếu kỹ năng nên phần lớn nhân viên bán hàng trả góp không thể phân biệt các giấy tờ bị làm giả. Để hạn chế tình trạng này, theo khuyến cáo từ cơ quan công an, cần siết chặt các thủ tục mua hàng trả góp; phía bán hàng phải có biện pháp xác minh, đối chiếu thông tin khách hàng, hướng dẫn người bán biết cách nhận biết giấy tờ, hồ sơ liên quan. Đối với công dân, cũng cần quản lý chặt giấy tờ tùy thân, tránh bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để gây án.