Bán hàng tết bình ổn giá tại 9 quận, huyện

ANTĐ - Dự kiến hàng bình ổn giá phục vụ dịp tết sẽ được đưa vào bán tại các “Trung tâm thương mại lưu động” trong 10 ngày, từ 9 đến 18-1-2012 (tức từ 16 đến 25-12-2011 Âm lịch).

Người dân ngoại thành sẽ mua được nhiều hàng Việt Nam vào dịp tết

Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cả hàng hóa đã tăng nhiều đợt. Dịp cuối năm này, bán hàng bình ổn giá đến với rộng rãi người tiêu dùng Thủ đô là một trong những việc làm quan trọng nhất. Việc tổ chức trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá tại 9 quận, huyện sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối. “Người tiêu dùng thường có thói quen mua sắm cận tết nên bán hàng vào thời gian này là thích hợp. Bên cạnh đó, năm nay công chức sẽ được nghỉ tết 9 ngày, nhu cầu mua sắm có thể tăng lên” - bà Mai nhận định.

Theo dự thảo kế hoạch tổ chức chương trình này, quy mô mỗi điểm tổ chức trung tâm thương mại lưu động sẽ có diện tích từ 1.000-2.000m2. Trong đó, diện tích bán hàng là 500m2 và có khu vực tư vấn tiêu dùng. Bà Mai cho hay, toàn bộ hàng hóa bán tại trung tâm là hàng Việt Nam. Các ngành hàng chủ yếu là: lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, điện, đồ gia dụng. Đặc biệt, lần đầu tiên sản phẩm làng nghề và đặc sản vùng miền... được đưa về phục vụ tết cho bà con.

Hưởng ứng chương trình này, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) khẳng định: “Lượng hàng hóa phục vụ tết cho bà con của Fivimart không thiếu. Chúng tôi cũng xác định mặt hàng đưa về ngoại thành bán phải có chất lượng tốt, các mặt hàng đang có chương trình khuyến mãi hoặc được bán với giá rẻ hơn giá trong siêu thị”. Tuy nhiên, bà Hậu băn khoăn về thời gian bán hàng tương đối dài sẽ khó khăn cho việc đảm bảo an ninh cũng như bố trí nhân lực phục vụ. Bên cạnh đó, sản phẩm các doanh nghiệp đưa về bán tại mỗi trung tâm thương mại lưu động không nên trùng mặt hàng để thuận tiện cho người bán và người mua.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia bán hàng tại các trung tâm thương mại lưu động này song sẽ không đồng tình với sự gian dối của doanh nghiệp về chất lượng, nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả hàng hóa.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng cũng nhấn mạnh, việc tổ chức bán hàng này sẽ được tuyên truyền rộng rãi với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, để càng nhiều người dân được hưởng lợi càng tốt. Để kích thích sản xuất của doanh nghiệp. Ông Thăng lưu ý, trung tâm thương mại lưu động được coi như một siêu thị nhỏ, là nơi giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chứ không phải là hội chợ. Bởi vậy, “các doanh nghiệp phải bán hàng thực sự là hàng Việt Nam, hàng bình ổn giá; không phải hàng hóa đến với người dân chỉ một lần mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải xem đây là cơ hội đưa hàng đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại lúc này phải cố gắng để phục vụ nhân dân. Càng lúc khó khăn càng phải giữ được mối liên hệ giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng” - ông Thăng nói.

 Các trung tâm thương mại bán hàng lưu động dự kiến được đặt tại các địa điểm sau:

- Quận Hoàng Mai: Công viên hồ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ
- Huyện Sóc Sơn: Phố Thân Nhân Chung, thị trấn Sóc Sơn
- Huyện Thanh Trì: Trung tâm TDTT Thanh Trì
- Huyện Gia Lâm: Nhà thi đấu TDTT Gia Lâm mặt đường 5
- Huyện Chương Mỹ: Sân vận động thị trấn Chúc Sơn
- Huyện Ba Vì: Nhà văn hóa huyện Ba Vì, thị trấn Tây Đằng
- Huyện Ứng Hòa: Xã Kim Đường
- Huyện Phúc Thọ: Xã Văn Phúc
- Huyện Thạch Thất: Trung tâm TDTT.