Bán hàng qua mạng - “mảnh đất” mới dễ bị tội phạm lợi dụng gây án

ANTĐ - Giao dịch mua bán hàng qua mạng Internet có nhiều cái lợi, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với những người dân thiếu thông tin, kiến thức, đặc biệt nếu gặp phải kẻ lừa đảo.

Bán hàng qua mạng - “mảnh đất” mới dễ bị tội phạm lợi dụng gây án ảnh 1Người mua hàng cần cảnh giác trước những lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng

Muôn mặt thủ đoạn lừa

Hiện nay, khi mua bán hàng qua mạng khách hàng thường phải thanh toán trước, nhận hàng sau. Chính vì thế, người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng, đa số chấp nhận may rủi; không chỉ mất tiền đặt cọc mà đôi khi mất luôn cả số tiền mua sản phẩm. Như tin ANTĐ đã đưa, ông N.D.L trú tại đường Nghĩa Phát, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM bị nhiều người dân tố cáo đã lừa đảo chiếm đoạt của họ hàng chục tỷ đồng thông qua chiêu thức dụ dỗ mua bán điện thoại iPhone 6 và iPhone 6 Plus qua mạng internet. Với thủ đoạn rao giá rẻ hơn thị trường 6-7 triệu đồng, L yêu cầu khách hàng muốn mua phải đặt cọc trước 50% tổng giá trị đơn hàng và cam kết nếu không giao hàng đúng hẹn hoặc hàng không về kịp sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc và đền bù 10% số tiền khách hàng đã đặt cọc. Ban đầu, L thực hiện đúng theo lời quảng cáo,nhưng khi số tiền đặt cọc nhận được nhiều (có cá nhân thông qua diễn đàn nhattao.com đặt cọc số tiền 1,2 tỷ đồng để mua 100 iPhone 6 và 40 iPhone 6S) thì L... biến mất. 

Hay như anh Tống Xuân Giang, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Anh Giang đặt mua một iPad Air được rao bán trên diễn đàn 5giay.vn với giá 13,1 triệu đồng. Thỏa thuận xong, anh Giang chuyển khoản toàn bộ số tiền trên nhưng chờ đến hơn một tuần vẫn không nhận được hàng; liên lạc lại thì không thấy người bán trả lời. Tìm đến nơi bán hàng, anh Giang ngã ngửa bởi ở đó không có ai bán hàng như thông tin quảng cáo trên mạng. 

Một thủ đoạn khác mà những kẻ lừa đảo cũng hay áp dụng, đó là trả hàng cho khách hàng nhưng không phải sản phẩm như trong lời quảng cáo. Tháng 5 vừa qua, CAQ Nam Từ Liêm đã bắt giữ cặp đôi Vũ Mạnh Tùng và Đinh Công Tú Anh có hành vi lừa đảo bán điện thoại iPhone 5, 5S được làm từ... gạch đá, kẹo lạc và quấn băng dính, “hóa trang” bên ngoài bằng hộp điện thoại... xịn. Thông qua mạng, người mua hàng sẽ liên lạc với Vũ Mạnh Tùng và nếu đồng ý mua sẽ giao hàng tại Bến xe Mỹ Đình. Tùng nhờ Tú Anh giao hàng và dặn khi khách nhận hàng, trao tiền sẽ phải tìm kế... chuồn. Nếu bị phát hiện, Đinh Công Tú Anh sẽ xin lại... điện thoại và tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo với người khác. 

Đưa hàng kém chất lượng, dàn cảnh để cướp khi giao hàng, thậm chí lừa cả bên bán và bên mua… đó là vô vàn thủ đoạn mà kẻ lừa đảo gây ra thông qua hình thức mua bán trên mạng. Thậm chí, với thủ đoạn lừa bên bán và bên mua, đối tượng xấu lập ra những trang web tương tự như trang web của các công ty mua bán trực tuyến với đầy đủ số điện thoại và hình ảnh. Khi có người đặt hàng, gọi điện thoại vào số máy trên trang web, đối tượng nhận lời, chuyển hàng và nhận tiền của khách, nhưng hàng giao là sản phẩm giả, kém chất lượng. 

Cần thẩm định trước khi mua hàng 

Kinh doanh qua mạng Internet đang trở nên phổ biến. Các trang mạng xã hội tràn ngập dịch vụ kinh doanh, bán từ đồ ăn thức uống đến điện thoại, hàng gia dụng. Hình thức tiện lợi, người bán không phải chịu chi phí đầu tư mặt bằng, cũng như sự quản lý của các cơ quan chức năng. Giá cả, mẫu mã sản phẩm được niêm yết, người mua tha hồ lựa chọn. Nhưng bên cạnh tính tiện ích, giao dịch mua bán qua mạng đang là “mảnh đất” mới để tội phạm lợi dụng gây án. 

Đại úy Vũ Mạnh Hùng, cán bộ Đội Điều tra Tổng hợp CAQ Nam Từ Liêm cho biết, một trong những cách thức để tránh bẫy lừa thông qua hình thức bán hàng qua mạng là người mua cần có được thông tin tối thiểu về sản phẩm, người bán và ngược lại. Trong trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo, cần trình báo đến cơ quan công an; đồng thời nên thông báo rộng rãi thủ đoạn của đối tượng xấu qua mạng Internet cho mọi người biết để tránh rơi vào cảnh “tiền đã trao nhưng, cháo không múc”.