“Bạn đồng hành” của sinh viên, công nhân

ANTĐ - Với những người sống xa gia đình như sinh viên các trường đại học, công nhân các khu chế xuất, thực phẩm ăn liền luôn có trong thực đơn của họ không chỉ vì vừa túi tiền mà còn bởi sự tiện lợi và an toàn cho sức khỏe. Sự đa dạng của mặt hàng này cũng giúp họ thường xuyên được đổi món mỗi khi đói lòng.

Cuộc sống hàng ngày càng bận rộn khiến con người ngày càng có ít thời gian dành cho việc nấu nướng, chế biến, nhất là với những sinh viên, công nhân ngoại tỉnh sống xa gia đình. Dạo qua các siêu thị lớn hay tới các chợ cóc, chợ tạm ở bất kỳ khu dân cư nào, đặc biệt là ở những khu vực có đông công nhân và sinh viên đều thấy sự xuất hiện của các thực phẩm ăn liền như mỳ tôm, cháo ăn liền, phở... Bởi với thực phẩm ăn liền, họ tiết kiệm được thời gian mà không phải bỏ bữa hay ăn vội ở những quán ăn vỉa hè, để kịp cho những giờ tăng ca hay nhanh chóng xua được cơn đói trong những đêm “cày” bài. Sự lựa chọn này thường xuyên đến mức, đã có những sinh viên chuyên ngành công nghệ thực phẩm chọn đề tài nghiên cứu về hành vi sử dụng thực phẩm ăn liền trong sinh viên để làm luận văn tốt nghiệp.

Để có được sự tin tưởng của người tiêu dùng, hiện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ăn liền đã nghiên cứu để cho ra những sản phẩm phù hợp túi tiền, tiện dụng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ có thế, nhiều sản phẩm mới đã chú ý tới khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam. Một số nhà sản xuất đã biết kết hợp những nông sản chất lượng với công nghệ tiên tiến để sản xuất ra những thực phẩm dù là ăn liền nhưng không khác gì thức ăn tự nấu. Đơn cử như, với công nghệ tạo hạt cháo SE-BEST, những hạt gạo tươi nổi tiếng của vựa lúa Long An đã trở thành những bông cháo mềm dẻo thơm và đậm chất cháo, ngon như cháo nấu tại nhà.

Sự cải tiến trong công nghệ sản xuất đã đem đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới về sản phẩm ăn liền. Mai Ngọc Quỳnh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tranh thủ ngày chủ nhật đến siêu thị để chọn mua thực phẩm. Cô dừng lại khá lâu bên quầy hàng thực phẩm ăn liền. Có rất nhiều nhãn hàng với các chủng loại như mỳ, cháo, bún, phở và mỗi loại lại có nhiều hương vị... để lựa chọn. Vừa nhặt dăm gói cháo ăn liền Gấu đỏ mới cho vào giỏ, Quỳnh vừa tâm sự: “Từ bé mình thích ăn cháo nên những ngày mới lên Hà Nội học, mình nhớ lắm bát cháo nóng, thơm mùi gạo mới mà mẹ thường nấu. Trước kia mình hay tự nấu cháo nhưng từ ngày nghe bạn bè mách, mình đã mua loại cháo ăn liền này về dùng thử và rất hài lòng vì loại cháo ăn liền này vừa ngon như cháo nấu tại nhà, vừa tiện nhiều bề vì không mất thời gian, đỡ tốn tiền điện, lại có thể yên tâm về sự an toàn”.

Để luôn là “bạn đồng hành” của gần 2,5 triệu sinh viên và 9,5 triệu công nhân, nhóm khách hàng mục tiêu chính trong ngành hàng thực phẩm ăn liền, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực để có được những sản phẩm ăn liền giá cả cạnh tranh, hương vị đa dạng và phù hợp với khẩu vị người Việt, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là điều góp phần làm nên xu hướng tiêu dùng trong năm 2012 mà Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA) đã công bố: 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao; 84% quan tâm đến an toàn thực phẩm; 75% quan niệm chất lượng sản phẩm là do nguồn gốc và nhãn hàng quyết định.