Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân:

Bạn đọc hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng

ANTĐ - Tham gia Hội chợ sách “Xưa và Nay”, NXB Công an Nhân dân giới thiệu tới bạn đọc khoảng 500 đầu sách, trong đó có khoảng 70 tựa sách vừa mới được in và lần đầu tiên ra mắt.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân cho biết, hội chợ sách và các hoạt động giao lưu giữa tác giả - bạn đọc… không chỉ là cơ hội để nâng cao văn hóa đọc trong lực lượng công an nói riêng và bạn đọc nói chung, đây còn là cơ hội để bạn đọc tiếp cận các cuốn sách về đề tài công an, từ đó hiểu, cảm thông với những công việc thầm lặng này. 

-PV: Với số lượng 500 đầu sách của NXB Công an Nhân dân, trong đó có 70 tựa sách lần đầu ra mắt, ông ấn tượng với những tác phẩm viết về đề tài công an nào nhất?

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân: Có 2 cuốn, tôi nghĩ rất đáng đọc và không thể bỏ qua, đầu tiên là tiểu thuyết “Đơn tuyến” của nhà văn quân đội Phạm Quang Đẩu. Tác giả viết về nguyên mẫu GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc, ông được tổ chức phân công hoạt động đơn tuyến từ khoảng những năm 1950. Nguyễn Đình Ngọc quê gốc Hà Nội, với 3 bằng cử nhân, 2 bằng tiến sĩ, khi ở Pháp về, ông dạy học tại một số trường đại học của chế độ Sài Gòn cũ.

Bạn đọc hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng ảnh 1

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái phát biểu trong một lần tổ chức cho các nhà văn đi thực tế tại Trại tam giam số 3, Bộ Công an

Chính ông là người đóng góp nhiều thông tin tình báo quan trọng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Người tình báo này bị CIA theo dõi đến tận phút cuối cùng, chi tiết này biết được do chính người của CIA nói ra vào tháng 4 lịch sử đó, rằng họ biết nhưng trở tay không kịp. Sự thật là nguyên mẫu của cuốn tiểu thuyết “Đơn tuyến” đã phải hy sinh tình riêng, chấp nhận cuộc sống cô đơn và lặng lẽ đến tận phút cuối cùng. Ông được phong hàm Thiếu tướng và chính ông là người viết nên một trong những huyền thoại của Công an Việt Nam.

Cuốn thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là “Không thể mồ côi” của nữ tác giả Minh Vân.

Cô là con của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo, là người chỉ huy lực lượng tình báo công an những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông đã hy sinh anh dũng và đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vợ của ông cũng là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác giả Minh Vân mồ côi cả cha lẫn mẹ. Và cuốn sách này ghi lại hành trình suốt 25 năm cô đi tìm cha, cuốn sách viết dung dị, nhưng cảm động. 

- Được biết, NXB Công an Nhân dân đã có nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc trong lực lượng công an. Ông có thể cho biết thêm về những hoạt động này?

Bạn đọc hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng ảnh 2

Gian hàng của NXB CAND tham gia Hội sách

Cuối tháng 3 vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Công an, chúng tôi đã tổ chức 2 cuộc giao lưu tại Học viện An ninh (TP.HCM) và Học viện Cảnh sát (Hà Nội), đã có hàng nghìn sinh viên tham dự. Chúng tôi cũng đã phối hợp cùng nhiều nhà sách mở các gian hàng triển lãm sách. Không chỉ hưởng ứng Ngày Văn hóa đọc, tôn vinh văn hóa đọc mà còn là dịp giao lưu văn hóa, sinh hoạt chính trị, ôn lại lịch sử nhân 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về việc chọn ra các cuốn sách có chất lượng, xây dựng các tủ sách phục vụ CBCS trên toàn quốc. 

- Trong những năm vừa qua, Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi viết, các cuộc thi này đã có những đóng góp  nhất định cho các tác phẩm về đề tài công an?

Đúng thế, tôi muốn nhấn mạnh đến Cuộc thi ký và tiểu thuyết về đề tài an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Cuộc thi này đã tìm ra nhiều tác phẩm hay, là nguồn cung cấp sách cho các tủ sách của lực lượng công an trên toàn quốc. Đã có nhiều cây bút nổi tiếng tham gia các cuộc thi này trong nhiều năm tổ chức như nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương, gần đây những gương mặt trẻ có Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy…Đa phần các tác giả viết về những chiến công lớn của lực lượng công an.

- Với góc nhìn của một nhà văn, Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân, ông có thấy thỏa mãn với những tác phẩm về lực lượng công an?

- Thực sự là chưa. Các tác phẩm gần đây tập trung viết về những hình tượng đẹp, chiến công lớn... nhưng sự sát sao phản ánh thì tôi thấy chưa hài lòng. Có thể các nhà văn còn thiếu chất liệu hoặc cũng có hạn chế là nhiều tài liệu đặc biệt còn chưa được giải mã bí mật? Tôi nghĩ cần có những “cú hích”, những sự kích thích sáng tạo hơn nữa. Chúng ta phải tìm được và lựa chọn những nhà văn có tâm, có tài, hiểu và yêu mến lực lượng công an.

- Có hay không sự ngại tiếp cận, vì công an thường được nhắc tới bởi công việc mang tính mệnh lệnh hành chính?

- Không phải đâu. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều chuyến thâm nhập thực tế, hiểu thì hiểu lắm rồi, chỉ còn thiếu sự “dấn thân” của các nhà văn. Thực ra, có nhiều nhà văn họ cũng đã nhìn thấy đằng sau công việc có tính mệnh lệnh hành chính còn có những trái tim ấm áp, sự lãng mạn, nhưng khi Tổ quốc cần, để giữ gìn sự bình yên của nhân dân, những chiến sĩ công an ấy sẵn sàng hy sinh xương máu của mình. Và vì thế, tấm lòng đó được trân trọng. Ngày 20-4 này, trại sáng tác về đề tài Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống sẽ kết thúc và hứa hẹn có những tác phẩm hay. Các nhà văn, nhà thơ mà tôi tiếp xúc, họ đều đánh giá cao việc làm của Bộ Công an, chưa có ngành nghề nào lại thường xuyên đầu tư thực sự cho những trại viết như thế này. 2 tác phẩm mà tôi kể trên cũng ra đời từ những trại sáng tác như thế. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Sách và đọc sách
lSách là người bạn chân tình và sáng suốt. Nó chỉ cho bạn con đường đúng đắn, nó giữ cho bạn khỏi bị lầm lạc. Có sách bên mình thì cả trong thời thơ ấu, cả giữa lúc thanh xuân và cả khi đã về già, bạn không cô độc, bạn thấy mình mạnh mẽ.
V.Va-xi-lép-xcai-a (Nga)
lSách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ.
X.X mai-xơ (Anh)
lKhông có cách giải trí nào rẻ hơn đọc sách, cũng không có sự thú vị nào bền lâu hơn đọc sách.
M.Mông-tê-guy (Anh)
lĐọc sách là để mở rộng tầm nhìn, kích thích suy nghĩ và làm phong phú trí tuệ.
M.Mông-te-nhơ (Pháp)
lĐọc sách không chỉ mở mang kiến thức mà còn để nâng cao tâm hồn.
L.Ghê.ranh (Canada)
Lê Quang Viêm (Sưu tầm-biên soạn)