Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ:

Bản di chúc hàm chứa triết lý phát triển bền vững của thời đại ngày nay

ANTD.VN - Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nhiều vấn đề đối với hậu thế, đó là những vấn đề mang tính nhân văn cao cả, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đây là sự nhất quán, sự nung nấu trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh trên cơ sở nhận thức, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Về phát triển kinh tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nội dung phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta gồm:

Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. 

Hai là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phải quan tâm phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp trong thời kỳ quá độ: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp (...) hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”.

Ba là, trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Về thành phần kinh tế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ mới có 5 loại kinh tế khác nhau: “A - Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân). B - Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội). C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội). D - Tư bản của tư nhân. E - Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh). Trong 5 loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”.

Bốn là, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian, sức lao động: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.

Năm là, trong phát triển kinh tế, phải quan tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đó là những thứ “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm. Những tư tưởng về xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị đối với Đảng và nhân dân ta trong nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững hiện nay.

Về phát triển văn hóa - xã hội

Phát triển văn hóa - xã hội mà trước hết là chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, giành độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân là hai mục tiêu cốt lõi của cách mạng Việt Nam; độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là hai nội dung xuyên suốt, bao trùm và quan hệ khăng khít và biện chứng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa - xã hội đã thể hiện và hàm chứa triết lý phát triển bền vững của thời đại ngày nay. Cốt lõi của phát triển bền vững là phải nhằm vào con người, vì mục tiêu phát triển con người, do đó chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân là mục tiêu lớn nhất. Chỉ khi nhân dân sống ấm no, hạnh phúc, thì đất nước mới phát triển, nền độc lập mới bền vững. Chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là đồng thời quan tâm nhu cầu vật chất của nhân dân và cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Ấm no và hạnh phúc, nhân dân không chỉ cần nhu yếu phẩm thiết yếu là đủ mà còn cần phải có tri thức, có đời sống tinh thần lành mạnh, được tự do tinh thần, tự do sáng tạo, tự do tạo lập cuộc sống.

Với quan điểm đó, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng nhiệm vụ diệt giặc dốt và giáo dục nhân dân. Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào bình dân học vụ được triển khai sâu rộng trong toàn quốc: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo... Cha mẹ không biết thì con bảo”.

Học chữ trở thành phong trào rộng lớn chưa từng có, lôi cuốn đông đảo nhân dân thuộc các giới, các lứa tuổi khắp nơi trên cả nước tích cực tham gia. Kết quả là, chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước có hơn 2 triệu người biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, công tác văn hóa, giáo dục cũng được chính quyền mới đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào đời sống mới đã xóa bỏ những tệ nạn, hủ tục lạc hậu, tàn dư chế độ cũ, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, bồi dưỡng tinh thần, ý thức công dân của người dân một nước độc lập. Lòng dân quy tụ về một mối, đoàn kết toàn dân tộc trở thành sức mạnh vô biên, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Người hướng dẫn, động viên nhân dân đoàn kết cùng nhau xây dựng “đời sống mới” toàn diện.

Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân trước hết là việc xây dựng nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân. Để Nhà nước giữ vững bản chất nhân dân, làm tròn nhiệm vụ quản lý xã hội, tổ chức xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể 1 tháng, 1 năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Người khẳng định: “Ðảng và Nhà nước Việt Nam từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy, chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Ðảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách. Trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Người được cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm, trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong hơn 30 năm đổi mới, các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới đem lại hạnh phúc cho con người, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Điển hình là công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 59% năm 1993 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 1 - 1,5% năm 2018 (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020). GDP trên đầu người đã vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (2.215 USD/người/năm) vào năm 2016, năm 2018 đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Đặc biệt, đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, vừa thực hiện tốt các mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh.

Sau nửa thế kỷ, di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng xã hội mới. Người kết hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân. Những vấn đề được Bác căn dặn, trong bản di chúc là hết sức hệ trọng, căn cốt, lâu dài, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống nhân dân.