"Bán danh ba đồng"

ANTĐ - “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”- câu nói của người xưa luôn đúng trong mọi trường hợp. Việc tạo dựng thanh danh, uy tín là khó khăn hơn rất nhiều so với việc làm mất đi thanh danh, uy tín đó. 

Nếu như người ta phải trải qua nhiều năm dài với biết bao nỗ lực làm điều tốt đẹp mới có thể tạo ra được một hình ảnh đẹp của chính mình trong lòng người khác, thì chỉ một sơ sểnh để lộ tim đen, để lộ hành vi sai trái, cũng đã quá đủ để xóa đi tất cả. Một lần để lộ đã đành, chứ một vài lần thì lại càng chứng tỏ cho thiên hạ thấy rõ hơn tư cách, thanh danh của khổ chủ những hành vi.

Ở góc độ đạo đức thì người tử tế, người hiểu biết, người học rộng - thông nhiều, thường xem trọng danh tiếng bản thân với ý nghĩa tích cực. Và chuyện giữ gìn thanh danh đối với một người mà công chúng cũng có lần hay tên, là vô cùng quan trọng. Nó có thể hình dung như những rào cản giúp con người ta phải e dè, thận trọng mỗi khi bị cám dỗ vào những hành động tiêu cực, những việc làm xấu - ác, những hành vi đáng chê trách.

Nhờ có quan niệm trên, người ta không chỉ lưu tâm đến những gì mà hành vi của cá nhân tạo ra trong phạm trù vật chất, mà còn chú trọng đến sự xét đoán - đánh giá hay chê trách của cộng đồng xã hội, đối với những việc làm không đúng, không tốt và cản trở trật tự an toàn xã hội. Và quan niệm như thế có thể là động cơ tích cực giúp người ta tránh làm điều xấu, mà ngược lại luôn hướng đến một đời sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

Một người đạo đức, lương thiện vẫn có thể bị mọi người hiểu lầm vì một lý do nào đó. Ngược lại, không ít những kẻ đạo đức giả, ngụy quân tử nhưng khéo léo che đậy bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, lừa đảo lọc lõi nên vẫn có thể được mọi người lầm tưởng là một bậc đạo cao đức trọng, lầm tưởng là cứu nhân độ thế bảo vệ người lành. Vì thế, nếu muốn xét kỹ cái gọi là “danh tiếng” của một người, thì nhiều dữ liệu và những hành vi lặp đi, lặp lại của anh ta, có thể nói thay cho sự đánh giá để hiểu rõ hơn về phẩm chất đạo đức, thanh danh thật sự của người đó.

Chuyện một số người dân huyện miền núi thiếu hiểu biết pháp luật, được một luật sư nhận lời trợ giúp pháp lý, lẽ ra là đáng quý. Bởi, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của luật pháp, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. 

Nhưng, trợ giúp pháp lý không những chẳng được miễn phí, mà còn phải móc hầu bao trả hàng chục triệu đồng với những người dân nghèo miền núi là điều đáng suy nghĩ.

Đáng nói là, lẽ ra, bức xúc của người dân nghèo miền núi được trợ giúp pháp lý để giải quyết thấu tình, đạt lý hơn, thì đằng này người trợ giúp pháp lý lại “trợ giúp” cho dân lành ở miền núi viết đơn kiện, lặn lội lên Thủ đô tụ tập đông người, dài ngày, dẫn tới mất trật tự công cộng tại cổng trụ sở cơ quan, doanh nghiệp ở Hà Nội. Những hành vi trợ giúp kiểu như vậy không mang lại kết quả, thậm chí vi phạm pháp luật. “Trợ giúp” không mang lại kết quả, không trả lại tiền đã nhận của người dân, khiến bức xúc càng bị đẩy thêm lên là điều dễ hiểu.

Trong xã hội, một con người để được mọi người tín nhiệm thì người đó phải tạo được lòng tin. Cũng như vậy, một ngành nghề muốn ngày càng phát triển thì cần phải tạo uy tín cho mọi người. Nghề luật là một trong số đó. Đặc biệt, người luật sư, hơn ai hết cần phải đặt vấn đề này lên hàng đầu để ngày càng phấn đấu đạt được đó là thanh danh. Nó là tiếng danh tốt đẹp, những giá trị cao quý được xã hội công nhận và tôn trọng. Lẽ đương nhiên luật sư luôn được xã hội đòi hỏi phải triệt để tôn trọng và thực thi pháp luật.

Một người luật sư tốt cần phải giữ được uy tín cũng như vị thế của mình trong xã hội, phải khẳng định được giá trị, tầm quan trọng của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Họ phải luôn hướng tới những điều tốt đẹp, giá trị đích thực để luôn mang lại công lý cho mọi người. Cuộc sống có muôn hình vạn trạng, con người có nhiều mối quan tâm khác hơn để bảo đảm lợi ích của mình, tuy nhiên luật sư - một nghề tạo ra “sản phẩm” phục vụ trực tiếp cho xã hội càng phải chú trọng thanh danh, uy tín. Không vì vụ lợi cá nhân, không vì những ham muốn nhất thời phục vụ lợi ích vật chất trước mắt mà làm những điều không đúng với pháp luật. Bằng không, thanh danh nhanh chóng bị hủy hoại, chẳng khác gì chuyện “bán danh ba đồng”.