Bạn cũ

ANTĐ - Vừa nghe tiếng đập cửa, chạy ra đã thấy tiếng người gọi rõ to: “Tớ đây, Phận đây!”  Đúng là Phận thật rồi! 

Ông bạn nối khố cùng dạy học với nhau, cơm niêu nước lọ, khổ sở thiếu thốn mọi bề, cách đây ba mươi năm, trên một bản Mông hẻo lánh ở Lào Cai. Vẫn to béo thế, vẫn cung cách, tiếng nói hồn nhiên như thế. Khác chăng giờ ù ì chậm chạp, lôi thôi, lếch thếch, tiều tuỵ hơn. Có lẽ vì tuổi tác. Cũng có thể vì bệnh tật.

- Đi tàu suốt đêm qua. Mệt quá!  À, nhà có bình nóng lạnh! Tắm cái nhé!

Người vợ  khó chịu từ lúc nghe tiếng đập cửa,  bưng mâm cơm từ bếp lên, liếc xéo vào cửa buồng tắm, lừ lừ hai con mắt lửa, làu bàu: “Người ở đâu ra mà trông gớm guốc quá. Mà thô lỗ quá thể!”

Từ buồng tắm đi ra, không đợi mời, Phận vừa ngoáy tai vừa ngồi xuống mâm cơm. Tự nhiên như hồi cùng sống với nhau trên bản Mông, như hồi hai thằng trai trẻ, chưa vợ con, nhân thân chỉ có cái ba lô, mấy bộ quần áo.

Thì cũng lại tự nhiên như hồi ấy, nâng bát cơm lên, chẳng cần mời ai là gắp thức ăn, là và lấy và để, rồi vừa nhồm nhoàm nhai vừa đôi hồi câu chuyện ngày xưa. Thì cũng tự nhiên, bất cần biết là người vợ mặt lầm lầm khó chịu thế nào, căng bụng cơm, súc miệng sùng sục một hồi rồi nhấc máy điện thoại, gọi liền mấy cuộc cho bạn bè, hẹn đến đây chơi, tuyên bố oang oang rằng sẽ ở lại đây ba ngày. Tiếp đó, cũng cung cách vô tư như thế, lăn ra đi văng, bật ti vi và màn ảnh hiện ra được một lúc thì thõng tay, ngáy pho pho.

“Này ông!” Dưới bếp, bà vợ gọi giật người chồng lại, rồi nghiến răng kèn kẹt:

- Bạn đâu mà quý thế. Đúng là cái tội cái nợ!  Việc gì phải khe khẽ. Vào nhà tắm mà xem. Nước chảy thoải mái. Hố xí bệt đi xong không giật nước. Nước gội đầu đổ tung đổ tóe ra. Mà ông ấy gọi điện thoại đường dài cho bạn ông ấy ở Thái Nguyên, ở Hải Phòng, Tuyên Quang đấy. Bao nhiêu tiền cho nó vừa. Mà nói trước, chiều nay dứt khoát tôi tống tiễn đi đấy!

-  Thôi, tôi xin! Tình nghĩa bạn bè cũ mấy năm gian khổ, sống chết có nhau, không thể xử sự thế được!

 -   Mặc kệ!

Người vợ vùng vằng bỏ ra sân. Rồi lát sau, nghe tiếng cửa rập đánh rầm, nhìn ra, đã thấy cô ta ngoăn ngoắt dắt xe đi làm tầm chiều.

Chiều ấy, hết giờ tầm, vội vã đạp xe về,  vì lòng dạ bỗng thấy phấp phỏng không yên thế nào. Quả nhiên, Phận đã đi, đi không một lời nhắn lại. Đứng lặng giữa căn buồng trống vắng, thấy buồn ngẩn ngơ. Buồn ngẩn ngơ như buồn mà không hiểu vì cơn cớ gì. Vì cơn cớ gì? Trong việc này, ai là người có lỗi lầm? Phận hay người vợ, hay chính ta?