“Bản chết” Pom Loi khắc khoải sau "bão" HIV/AIDS

ANTĐ - Nơi đây, ma túy và HIV/AIDS đã và đang làm cho nhiều gia đình khuynh gia bại sản, với những mảnh đời đen tối, vật vã dường như không có lối ra...

Theo truyền thuyết, bản Pom Loi thuộc phường Nam Thanh (TP Điện Biên Phủ) là nơi an táng vua Lạng Chượng - thủ lĩnh của người Thái hồi thế kỷ thứ X. Từ một bản thuần khiết nét văn hoá người Thái đen có lịch sử định cư gần 1 thế kỷ, hơn chục năm nay, bản Pom Loi lại được nhắc đến như là một trong những điểm nóng nhất về hoạt động của tội phạm ma túy.

Dưới chân dãy núi Pu Khẩu Lành hùng vĩ, bản Pom Loi như một ốc đảo nổi lên giữa cánh đồng Tông Na Luồng (bãi ruộng to). Pom Loi theo tiếng Thái có nghĩa là “đồi an táng” - truyền thuyết kể rằng, sau khi vua Lạng Chượng băng hà, để tưởng nhớ một trong những người khai sơn phá thạch các vùng Mường Then (Mường Thanh), Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc cho người Thái, nhân dân địa phương xây dựng 3 ngôi mộ giống y hệt nhau xung quanh cánh đồng Mường Then, và Pom Loi là một trong 3 địa điểm đó. Tương truyền, Pom Loi vốn dĩ chỉ là một gò nổi, nhưng khi an táng ông, người ta đào cả triệu mét khối đất đá đắp lên thành đồi. Các cụ già ở Pom Loi giờ vẫn kể lại, hồi lính Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ, chúng huy động dân công các bản Thái đào công sự, phát hiện được mấy cỗ quan tài bằng đá ở Pom Loi, đồi A1 và đồi Châu Ún (C2), sau đó mang đi đâu không rõ?

Theo ông Lò Văn Giót, sinh năm 1914, là bậc cao niên nhất và cũng là pho sử sống của bản Pom Loi hiện nay, bản Pom Loi có lịch sử định cư chính xác là vào năm 1932, khi đó Châu Ún (Đèo Văn Ún, con trai út vua Thái Đèo Văn Long, tri châu Điện Biên), đã ra “chỉ dụ”, di dời dân ở khu vực lòng chảo Mường Thanh, sáp nhập một số gia đình thuộc bản Noong Bua, Phiêng Bua thành lập bản Pom Loi. Trong 56 ngày đêm đỏ lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ, Pom Loi có cái tên là “Đồi Cháy” - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa ta và địch, là nơi tập kết quân chủ lực và trận địa pháo binh của ta khi tiến đánh các cụm đồi phía Đông, trong đó có đồi A1... Sau ngày 7-5­-1954, được bộ đội giúp đỡ, người dân Pom Loi quay về quê cũ, nhưng cũng phải đến sau năm 1969, dân bản Pom Loi mới chính thức quay về định cư tại “đồi an táng” cho đến hôm nay...

Sau chiến tranh, cuộc sống người dân Pom Loi còn nghèo nhưng lại giàu về cuộc sống tinh thần. Cách đây gần hai chục năm, khi đó còn là một đội sản xuất thuộc xã Thanh Minh, huyện Điện Biên, Pom Loi là một trong những bản còn giữ được nhiều nét văn hóa Thái quyến rũ; đội văn nghệ bản thường xuyên được đi biểu diễn phục vụ các đoàn khách lên Điện Biên Phủ. Sau vụ gặt, cả bản rộn ràng tiếng trống, tiếng ­chiêng của những đêm xoè, đêm hát hạn khuống đắm say lòng người... Thế nhưng những năm gần đây, cơn bão ma túy đã biến Pom Loi thành một bản chết.

Trở về Pom Loi một ngày đầu đông nhưng tiết trời Tây Bắc đã lạnh se sắt. Bản Pom Loi tiêu điều, vắng vẻ, các ngôi nhà sàn nằm khuất nẻo, im lìm sau các rặng tre và cây cối um tùm. Thiếu tá Hồ An Hoà Trưởng Công an phường Nam Hòa xót xa kể: “Hồi mới thành lập, Pom Loi còn tồn tại cả một “chợ” ma túy hoạt động công khai; từ sáng sớm đến tối mịt, đám con nghiện vật vờ tìm đến đây mua “hàng”. Cao điểm, Pom Loi có đến 25 điểm bán lẻ ma túy, tính trung bình cứ 2 gia đình thì có một tham gia vào đường dây cung cấp “hàng trắng” cho con nghiện?!”.

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất với kỷ lục buồn nhất ở Pom Loi là nữ quái Lường Thị Xuân. Xuân năm nay mới 36 tuổi, nhưng đã có thâm niên buôn bán ma tuy gần 20 năm. Xuân nổi danh bởi liên tiếp... có bầu để hoãn thi hành án phạt tù về tội mua bán trái phép ma túy. Thời “hoàng kim”, thị là một trong những trùm ma túy lớn nhất, thầu bao toàn bộ mạng lưới bán lẻ heroin của Pom Loi.  Buôn ma túy thu bộn tiền, Xuân thuê thợ tận Thái Bình lên xây một căn nhà to vật vã ngay đầu bản, hướng ra cánh đồng Tông Na Luồng. Dân trong bản được mời đến ăn nhà mới bùng biêng suốt hai ngày. Xây xong nhà, cũng là lúc cô ta hoàn thiện hệ thống “an ninh”, biến căn nhà thành tụ điểm bán lẻ ma túy bất khả xâm phạm. Tuy cao tay, nhưng Lường Thị Xuân cũng chẳng qua mặt được lực lượng Công an, cô ta đã 4 lần bị bắt quả tang về hành vi bán và tổ chức sử dụng trái phép ma túy.
Tuy không có chồng nhưng Xuân ma lanh liên tiếp đẻ 2 đứa con trong mấy năm để trốn án tù. Khi đứa con thứ hai của Xuân được hơn một tuổi, thì Xuân cũng phải hầu toà lần thứ 4 và “nợ” đến 40 năm tù giam?! Năm 2006, Xuân phải khăn gói đi thụ án tại Trại giam Yên Hạ, để lại đám trẻ cho ông bà nuôi. Một điều tra viên của Công an TP Điện Biên Phủ kể lại câu chuyện bi hài, cuối năm đó, sau này khi hoàn tất các thủ tục vô khám, Lường Thi Xuân còn thút thít khóc và kể lể rằng cái số thị đen đủi phải đi tù, vì dù trước đó cô ta đã “tháo khoán” với cả tá gã đàn ông bất hảo nhưng sao “nó” chẳng chịu có thai nữa?! Hôm đến nhà Xuân, cô bé con út của Xuân đang tưới rau ở vườn. Đứa bé gái lên 7 tuổi, còi cọc trông chỉ như đứa trẻ lên 5, mái tóc vàng hoe chắc do suốt ngày đầu trần dãi nắng, ánh mắt nó trông đượm buồn, thăm thẳm nỗi niềm. Bà Lường Thị Dương - mẹ Xuân bật khóc tức tưởi: “Nó và thằng anh về ở với tôi từ khi mẹ nó phải đi tù về ma túy. Năm nay tôi gần 60 tuổi rồi, không biết có đủ sức nuôi bọn trẻ để chờ mẹ nó đi tù 35 năm nữa không!”.

Cũng rơi vào thảm cảnh như gia đình bà Lường Thị Dương, “nhị đại đồng đường” đều dính ma túy là ông anh trai bà; Lường Văn Âng. Trưởng bản Lường Chí Cu cho biết, ông Âng chính là người đầu tiên mang “văn minh” ma túy về với Pom Loi từ cách đây hai chục năm. Ông ấy nghiện thuốc phiện, sau đó chuyển dần sang chích heroin. Nhà có 4 con (2 trai, 2 gái) thì 3 người dính dáng đến ma túy và chung một kịch bản buồn; hai con trai Lường Văn Phong, Lường Văn Bóng, nghiện ma túy, bán lẻ rồi vào trại. Năm ngoái, Bóng chết vì AIDS, cô con gái rượu Lường Thị Yến hiện cũng đang thụ án 5 năm trong Trại giam Yên Hạ...

Bản Pom Loi lúc cao điểm có vài chục đối tượng nghiện ma túy. Những gia đình như ông Lường Văn Yên, Lường Văn Âng, theo Trưởng bản Cu thì phải xoè kín hai bàn tay. Gia đình ông Teo Văn Chơ có 5 người con thì có 3 người cũng thay nhau đi tù. Teo Thị Hoa (SN 1978) - con thứ ba của ông Chơ là một đệ tử có tiếng của Lường Thị Xuân, thị chuyên bán lẻ, cặp với 1 gã nghiện, đẻ con để trốn đi tù, nhưng sau khi nợ đến 20 năm thì gã chồng hờ lặn mất tăm. Hoa vào trại, 2 em trai Teo Văn Hùng, Teo Văn Chung lũ lượt kéo nhau đi bóc lịch trong trại giam. Ông bà Chơ năm nay đều đã ngoài 70 tuổi, già yếu lắm rồi, nhưng hằng ngày vẫn phải cặm cụi đào cua đãi hến để nuôi 2 con của Hoa, đứa lớn mới học lớp 3, đứa bé học mẫu giáo. Bà Chơ lẩm bẩm tính toán khi tôi hỏi, rồi nói: “Mỗi năm 2 đứa cháu đi học dù các thầy cô miễn giảm nhiều, nhưng vẫn phải đóng góp đến... 278 ngàn đồng. Tôi phải xúc 2 bao thóc nhờ cậu nó chở ra ngoài chợ bán mới có đủ tiền đấy”. Không biết Teo Thị Hoa giờ đang thụ án trong trại có thấu hiểu cái cảnh khốn cùng của mẹ và hai đứa con mình ở nhà không? Số tiền 278 ngàn, chưa bằng 5 tép heroin lúc cô ta đầu độc đám thanh niên choai choai ngoài thành phố vào tìm cảm giác mạnh...

Theo số liệu của Công an phường Nam Thanh, bản Pom Loi có hàng chục người nhiễm HIV. Ông Trưởng bản Lường Chí Cu lọ mọ mở tủ lôi ra một cuốn sổ khá nhàu nát, nói với tôi: “Từ năm 2006 đến nay, bản Pom Loi có 15 người chết vì AIDS, trong đó có 3 người chết trong trại”. Không biết ai là người đầu tiên mang “con ết” về bản, nhưng người đầu tiên chết vì căn bệnh này là Lò Văn B. B nghiện ngập, dính HIV rồi chết. Nhưng điều bất hạnh là trước khi xuống suối vàng, anh ta đã kịp lây truyền virus quái ác này sang vợ là Lù Thị Th. và cô con gái mới 8 tuổi. 2 mẹ con Th. giờ cũng chết cả rồi - Trung tá Quàng Văn Hặc CSKV Công an phường Nam Thanh ngậm ngùi. Trong 13 người ở Pom Loi chết vì AIDS, có trường hợp chết cả nhà như Lù Văn B., hai anh em ruột cùng chết trong 1 tuần như Lường Văn K. - Lường Văn C; Quàng Văn B. - Quàng Văn Ơ...

“Đến bây giờ, chúng tôi cũng chưa thể thống kê chính xác còn bao nhiêu người dính căn bệnh này nữa” - Trưởng bản Cu cám cảnh thừa nhận. Chỉ biết, trong bản giờ đây vẫn còn hơn chục phụ nữ sớm trở nên góa bụa khi chồng nghiện ngập, mắc bệnh rồi chết vì AIDS. Những người phụ nữ như: Cà Thị M., Lò Thị R, Lường Thị Q., Lường Thị A., Tòng Thị Q., Quàng Thị B... đang phải sống trong nỗi ám ảnh, trong sự kì thị tàn nhẫn của người đời, nhưng cũng chưa một lần dám đi làm xét nghiệm. Không phải ai cũng có thể dũng cảm đối mặt với thực tế phũ phàng, khi hằng ngày hằng giờ chứng kiến cảnh hàng chục đứa bé ở Pom Loi từng bị mất cha (dù cha chúng cũng từng có một quá khứ bất hảo và đen tối), nay lại sắp phải mất cả mẹ vì ma túy và vì bệnh AIDS...

Sau hơn chục năm hoành hành ở Pom Loi, cơn bão ma túy đã để lại những hệ lụy khủng khiếp. Giờ đây, sự bình yên đã và đang trở lại, nhưng chưa ai có thể dám chắc sự bình yên đấy còn tồn tại được bao lâu. Cuộc sống của người dân ở Pom Loi vẫn còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Bản Pom Loi hiện có 78 hộ, trên 300 nhân khẩu, 100% các hộ gia đình làm nông nghiệp, nhưng ruộng nước ít, tính trung bình, mỗi khẩu chỉ có chưa đầy 250m2, đất nương thì bạc màu, hầu hết dân bản đều thuộc diện hộ nghèo. Nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng vẫn còn có hơn chục gia đình phải đứt bữa trong những ngày giáp hạt. Khi cái đói cái nghèo còn hiện hữu, nhiều thanh niên ở Pom Loi còn “nhàn cư” thì lằn ranh với hành vi “bất thiện” cũng thật mỏng manh...

Ánh chiều chạng vạng, những cơn gió từ đỉnh Pu Khẩu Lành ràn rạt xua đuổi nốt những làn khói lam chiều còn vương vấn trên các mái nhà sàn xập xệ ở Pom Loi. Ông Trưởng bản Lường Chí Cu - một người gần chục năm nay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tiễn tôi ra đầu bản. Nắm chặt tay tôi, ông đau đáu một nỗi niềm: “Nhà báo thử nghiên cứu rồi trả lời cho dân bản chúng tôi, tại sao hội tụ đầy đủ các yếu tố giống như bản Hồng Líu, Phiêng Bua hay bản Noong Bua... của TP Điện Biên Phủ, các bản đó thì giàu có, nhưng sao đến giờ Pom Loi vẫn cứ đói, cứ nghèo?”. Sau “cơn bão”, bản Pom Loi vẫn đang khắc khoải một lối về…