Bàn cách "chữa" thói tiểu nông

ANTD.VN - Mới mùng một đầu tháng mà họ lại cãi nhau rồi, ầm ĩ cả một khu phố.

- Vẫn lý do muôn thuở bác ạ, khách vào nhà này, nhà kia ra đuổi vì để xe lấn vạch. Khi nhà kia có khách, nhà này lại bày trò chèo kéo. Hàng thì cùng một gốc mà cứ nói xấu nhau bán đồ rởm…

- Họ làm vậy thì cả hai bên cùng thiệt chứ được cái gì. Tháng đôi lần cãi nhau như mổ bò thế kia còn khách nào lai vãng?

- Thì cay cú nhau nên cùng tâm lý “ông mà không bán được thì mày cũng đừng hòng”. Những lúc cả hai nhà cùng vắng khách thì có thấy mâu thuẫn gì đâu.

- Tức là chấp nhận cả hai cùng thiệt còn hơn để một bên được lợi hả? Có vẻ như sau bao nhiêu năm lăn lộn thị thành, tâm lý tiểu nông của mấy anh này còn nặng.

- Nói thật, tôi nghe người ta hay chê bai “tâm lý tiểu nông”, nhưng cũng chưa thực sự hiểu gốc rễ của nó đâu.

- Thì thế này nhé, cứ hình dung phần lớn người Việt mình sinh ra từ làng, bao đời qua sống trong lũy tre quây kín, tầm nhìn hạn hẹp nên chỉ biết lo nghĩ cho bản thân, gia đình mình, xa nhất là cho xóm làng mình. Lâu dần sinh ra vị kỷ, cục bộ địa phương, ghen ăn tức ở, không muốn người khác hơn mình. 

- Trong trường hợp này, nếu không muốn nhà bên cạnh đắt hàng hơn thì sao họ không cố gắng thay đổi chính mình nhỉ, kiểu như có thêm mặt hàng độc, lạ, bài trí hút mắt hơn, hay mở thêm kênh bán hàng… 

- Thì đấy cũng là một biểu hiện của tâm lý tiểu nông: an phận thủ thường. Không dám nghĩ, không dám làm, không chịu vận động, thay đổi, phấn đấu, thấy người ta hơn thì tìm cách kéo xuống cho bằng mình chứ không tự vươn lên cho bằng người ta. Thấy nhà mình ít khách hơn thì đổ tại nhà bên “chơi bẩn”, chứ không bao giờ nghĩ tại mình. 

- Xem chừng “bệnh” này khó chữa nhỉ?

- Người ngoài muốn “chữa” thì cũng khó thật. Cứ để họ tự suy ngẫm. Doanh thu sụt giảm thì sẽ tự “ngộ” ra thôi.