Bản án tuyên xong, hận thù khó giải

ANTĐ - Chồng ngoại tình, dẫn vợ bé về nhà giới thiệu, thậm chí còn ngang nhiên tới mức buộc vợ cả sống chung. Hết cự cãi, giằng co, người vợ cả cầm dao chém chồng đến chết. Một gia đình đầm ấm ngày nào giờ tan nát, dai dẳng một nỗi đau...
Bản án tuyên xong, hận thù khó giải  ảnh 1
Bi kịch gia đình dẫn đến vụ án mạng đau lòng và sự hận thù dai dẳng
Minh họa ảnh: Phú Khánh


Tức nước vỡ bờ
Đó là câu chuyện đau lòng của Ngô Thị Hồng Thắm (SN 1986) - bị cáo bị buộc tội giết chồng. Theo bản án sơ thẩm: năm 2003, Ngô Thị Hồng Thắm và anh Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1985) về sống với nhau tại ấp 3, xã Tân Kiểng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đến năm 2011, Thắm và Tuấn mới đăng ký kết hôn. Vượt qua bao khó khăn thử thách, tưởng chừng họ sẽ có cuộc sống hạnh phúc cùng đứa con trai 7 tuổi nhưng không ngờ chỉ sau thời gian ngắn vợ chồng Thắm bắt đầu phát sinh mâu thuẫn vì Tuấn có người đàn bà khác. Vợ chồng lục đục, có lần Tuấn đánh Thắm, đuổi ra khỏi nhà.  Tối 15-2-2013, Tuấn đưa người phụ nữ tên T. ở gần đó về nhà giới thiệu là vợ bé và đề nghị… 3 người chung sống. Cay đắng, tuyệt vọng, Thắm nhất quyết phản đối ý định của chồng thì Tuấn dửng dưng dắt vợ bé bỏ đi, để lại lời đe dọa: “Đây là vợ bé của tao, nếu mày không đồng ý sống chung thì mày phải ra khỏi nhà này”. Sáng hôm sau, thấy chồng về, Thắm van xin, năn nỉ Tuấn hãy nghĩ lại nhưng không được. Một trận cãi vã xảy ra, Tuấn xông vào tát vợ.  Ghen tuông, hận thù, đau khổ khiến Thắm mất hết lý trí. Cô lao xuống bếp xách con dao chặt thịt chạy lên phòng ngủ. Trong lúc chồng đang mải nhắn tin, Thắm vung dao chém chồng hai nhát. Mặc người đàn ông đầu gối tay ấp một thời gục xuống, Thắm bế con đến gửi nhà mẹ ở quận 6 rồi đến cơ quan công an đầu thú. Thấy em dâu đưa cháu ra khỏi nhà với thái độ rất lạ, anh trai nạn nhân nghi có chuyện chẳng lành chạy sang thì phát hiện cảnh tượng hãi hùng. Tuấn đã tắt thở trên vũng máu. Tại phiên tòa sơ thẩm, Thắm khóc như mưa. Người đàn bà đau khổ nhắc lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Thắm day dứt, ân hận về tội lỗi của mình nhưng cũng cho rằng do chồng phản bội, không thể chịu đựng thêm những lời lẽ, đòn roi và cảnh chồng chung nên cô không làm chủ được mình dẫn đến phạm tội. Bản án 8 năm tù được tuyên, Thắm nhận án không một lời oán thán nhưng gia đình bị hại không bằng lòng. Họ kháng cáo yêu cầu xem xét lại.Thảm kịch một gia đình
“Chúng tôi không đồng ý khi bản án sơ thẩm cho rằng cháu tôi có lỗi. Tôi đề nghị xem xét lại bản án, lấy thêm lời khai của một số nhân chứng xem Tuấn có lỗi hay không...”, với tư cách đại diện người bị hại, cậu ruột nạn nhân nói trước tòa. Khác với phiên tòa sơ thẩm, ở phiên phúc thẩm, Thắm bình tĩnh hơn, nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy bóng mẹ đến dự tòa. Thế nhưng trả lời thẩm vấn, cô lại không kìm được nước mắt khi nhắc lại cảm giác lúc thấy chồng tay trong tay dắt người đàn bà khác về nhà. Thắm lặp đi lặp lại nhiều lần chuyện bị chồng đe dọa. Ngoài lời khai của Thắm, quá trình điều tra, một số nhân chứng trong đó có cả anh ruột nạn nhân cũng thừa nhận Tuấn có qua lại với người phụ nữ tên T. , đã đưa T. về nhà giới thiệu là vợ bé, bắt Thắm phải sống chung.  Thế nhưng, tại tòa, mặc nước mắt lăn dài trên gò má con dâu, cha mẹ và cậu ruột nạn nhân kiên quyết bác bỏ những lời khai của “người đàn bà tội lỗi”. Mẹ Tuấn bảo cuộc sống vợ chồng Thắm mâu thuẫn là do trước đó Thắm từng bỏ nhà đi. Gia đình nạn nhân nghi ngờ rằng Thắm cố ý giết chồng là để “rộng cẳng” ngoại tình, Thắm là cô gái trước đây từng làm trong quán bar, những lời khai của Thắm không đúng sự thật... Nước mắt giàn giụa, Thắm ra sức lắc đầu. Không khí phiên tòa ngột ngạt.  Vị thẩm phán phải cắt ngang để chia sẻ đôi điều. Ông phân tích dù thế nào trước đây Thắm cũng là dâu con trong gia đình, từng gọi những người trong gia đình bị hại là cha, là mẹ, là cậu, là anh. Bị cáo phạm tội nên phải trả giá nhưng sau lưng bị cáo còn có gia đình, còn đứa trẻ là con của bị cáo nhưng cũng là con bị hại, là cháu trong gia đình. Do vậy, dù bức xúc nhưng người lớn phải nói cho đúng sự thật, đừng vì bức xúc mà nói ra những điều chỉ do mình suy đoán, ngờ vực, đừng khoét sâu nỗi đau cho đứa trẻ khi nó đã mất cha, mẹ phải vào tù. Trong phần tranh luận, vị công tố viên cũng ngậm ngùi: Người lớn hãy vị tha, đừng vì oán giận cá nhân mà cố làm cho đứa trẻ phải có những suy nghĩ không đúng về mẹ mình. Với một người mẹ phải bỏ lại con, sống trong tù đã là một sự trả giá quá đắt. Người lớn hãy cố gắng để đứa trẻ có tương lai tốt hơn. Dầu vậy, những lời khuyên chí tình không lọt được vào tai người nhà nạn nhân. Cậu của Tuấn vẫn nhất quyết yêu cầu tòa đưa đứa cháu ra làm nhân chứng trong vụ án mẹ giết cha.  Sau khi nghị án, Tòa nhận định bản án 8 năm tù với Thắm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Căn cứ vào hồ sơ vụ án cho thấy nạn nhân cũng có lỗi trong vụ án, nội dung vụ án đã được làm rõ, việc gia đình nạn nhân kháng cáo yêu cầu điều tra lại là không cần thiết. Từ đó, tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên hình phạt 8 năm tù.  Kết thúc phiên tòa, cậu của nạn nhân hối hả hỏi thủ tục đề nghị giám đốc thẩm lại bản án. Thắm lên xe về trại, bỏ lại sau lưng ánh mắt đớn đau của mẹ già và cả sự ấm ức từ phía gia đình nạn nhân. Không biết rồi đây đứa trẻ 7 tuổi sẽ ra sao khi sống trong môi trường đầy ắp hận thù của gia đình bên nội?