Gian nguy theo dấu tội phạm truy nã:

Bám theo đối tượng (2)

ANTĐ - Theo chân các trinh sát trong suốt hành trình truy bắt tội phạm từ Tây Nguyên đến các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi mới cảm nhận được về nghề tầm nã… 

Khó khăn không ngờ tới

Hành trình lần theo dấu vết đối tượng truy nã nhiều lúc vô cùng gian khổ. (Ảnh minh họa)

Vượt hơn 1.000km, các trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - CATP Hà Nội đã có mặt tại thủ phủ của Tây Nguyên - TP Buôn Ma Thuột. Vùng đất đỏ bazan thời điểm này đang vào mùa mưa. Những cơn mưa bất chợt ập đến rồi có khi kéo dài suốt cả ngày khiến cho những con đường đất đỏ càng trở nên trơn lầy hơn. Thời tiết, địa hình như muốn thử lòng của các lữ khách.

Ngay sau khi “đổ bộ” xuống Đắk Lắk, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, các trinh sát đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Một tổ công tác tức tốc lên đường xuống Gia Lai bắt giữ đối tượng có lệnh truy nã nguy hiểm, trong khi đó một tổ công tác khác đi Đắk Nông lần theo dấu vết một đối tượng đã lẩn trốn trên 5 năm.

Công tác bắt đối tượng có lệnh truy nã dường như là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của công tác công an. Vào việc, trinh sát truy nã phải làm lại, bắt đầu từ việc đọc lại hồ sơ vụ án, tìm hiểu nhân thân đối tượng nhằm phát hiện đầu mối để khai thác lần theo dấu vết tội phạm. Trên cơ sở đó họ tiếp tục phải xác minh các tài liệu tìm hướng truy tìm hiệu quả nhất...

Trở lại với chuyến đi tầm nã của các trinh sát truy nã, sau gần 5 giờ ngồi xe khách từ Buôn Ma Thuột mới tới Gia Lai. Chuyến xe nêm chặt cứng khiến hành khách ai cũng ê ẩm. Vừa xuống xe Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, Đội phó Đội Truy bắt tội phạm về kinh tế, ma túy và Trung tá Ngô Đức Minh tiếp tục hành trình đi Chư Păh, huyện xa nhất của Gia Lai để lần theo dấu vết tội phạm.

Phối hợp với lực lượng công an cơ sở rà soát, sàng lọc đối tượng trong diện quản lý và tra cứu từng quyển sổ quản lý nhân hộ khẩu cũ nát ẩm mốc của địa phương nhưng mỏi mắt vẫn không thấy tên đối tượng cần tìm. Rất may, từ đặc điểm nhận dạng, người dân cung cấp một thông tin có đối tượng nghi vấn như trên đang làm công nhân tại một nông trường cao su cách đó trên 20km. Linh tính nghề nghiệp cho thấy đây là đối tượng cần tìm.

Theo hướng người dân chỉ, hai trinh sát cùng công an sở tại đi sâu vào rừng cao su. Đến nơi, nắm tình hình sơ bộ, được biết nông trường này có đến hàng nghìn công nhân nên việc tìm kiếm chẳng khác nào mò kim đáy bể. Thận trọng loại trừ những thông tin không cần thiết, tập trung nghiên cứu sàng lọc đối tượng, cuối cùng các anh cũng xác định được đối tượng nhưng thật đáng tiếc khi tới nơi mới biết, tên này đã chuyển đi hơn một tháng nay.

Sau một ngày ròng đội mưa lần tìm từng thông tin, theo dấu vết tội phạm vừa rét và đói mà vẫn kết quả không như mong đợi, dẫu biết rằng việc bắt hụt đối tượng truy nã vẫn là chuyện thường xảy ra, nhưng các trinh sát đều không giấu khỏi nét buồn  trên mỗi gương mặt. Ngay sau khi báo cáo lại với chỉ huy về tình hình, trinh sát Nguyễn Xuân Kỷ và Ngô Đức Minh chỉ kịp chia nhau chiếc bánh tét đã nguội lạnh mua vội dọc đường rồi nhanh chóng lên đường thực thi nhiệm vụ mới..

Vào hang bắt sói

Cầm trên tay tập hồ sơ tài liệu về đối tượng Nguyễn Bá Cầu, SN 1974, trú ở Hoàng Diệu, Chương Mỹ bị truy nã về tội tổ chức đánh bạc, trinh sát kỳ cựu Lại Văn Vinh và Nguyễn Bá Hùng đặt ra nhiều câu hỏi giả định. Bởi, ngược lại vụ án, năm 2005, huyện Chương Mỹ có chủ trương cho một số hộ gia đình đi làm ăn ở vùng kinh tế mới Tây Nguyên mà điểm đến là xã Ea Tmốt, huyện Ea Sup - Đắk Lắk. Trong danh sách những hộ gia đình đi vùng kinh tế mới có Nguyễn Bá Cầu. Trước chuyến đi này, Cầu đã có một “canh bạc” cuối cùng với số phận, đó là tham gia hoạt động tổ chức đánh bạc. Hoạt động không lâu, sới bạc này đã bị công an huyện triệt xóa, nhiều đối tượng bị bắt giữ nhưng Cầu đã kịp cao chạy xa bay. Sau đó, Cầu bị Tòa án xử vắng mặt với mức án 5 năm tù giam về tội tổ chức đánh bạc.

Với vụ án trên, cả hai trinh sát Vinh và Hùng đều nhận định nhiều khả năng Cầu không vào vùng kinh tế mà trước đây đăng ký là xã Ea Tmốt vì như thế chẳng khác chui đầu vào rọ, nhưng trong nghề truy nã không cho phép để sót lọt thông tin, hai anh lập tức lên đường xác minh. Tiếp tục đội mưa, ít giờ sau các anh có mặt tại xã Ea Tmốt. Đúng như phán đoán, người dân tại đây cho biết từ 2006 đến nay không thấy Cầu xuất hiện ở khu vực này, cho dù ở đây chủ yếu là người Hoàng Diệu - Chương Mỹ.

Tập trung, phân loại các tài liệu và rà soát mối quan hệ và thu thập tài liệu, các trinh sát được biết, Cầu đang ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Thông tin đối tượng đang lẩn trốn ở một khu vực mới chỉ là tín hiệu khả quan ban đầu, còn việc phát hiện xác định đúng nơi cư trú và đúng đối tượng là không đơn giản. Bởi với một địa bàn rộng, trải dài, cộng đồng dân sinh sống phức tạp nên rất khó khăn trong việc thu thập thông tin. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện Cầu đang ngồi uống rượu tại một quán ăn ven đường. Phương án vây bắt được hội ý chớp nhoáng dưới rừng cao su cách đó không xa.

Khi Cầu đang chén chú, chén anh với vài bạn nhậu, bỗng có hai người khách lạ bước vào. Với vẻ mặt hồ hởi, một vị khách đi đến hỏi thăm.

- Anh có phải là Nguyễn Bá Cầu, ở Hoàng Diệu, Chương Mỹ không?!

Chột dạ mất mấy giây, Cầu đáp: “Vâng, sao anh biết tên em?”.

Ngay tức khắc, người khách rút ra chiếc thẻ đỏ: “Tôi là Công an Hà Nội, anh bị bắt về tội tổ chức đánh bạc”.

Làm thủ tục lấy lời khai và tạm giữ đối tượng xong cũng gần 21h, 2 trinh sát mệt nhoài không ăn nổi nhưng vẫn phải cố lót dạ để lấy sức cho những chuyến đi ngày hôm sau.

(Còn nữa)