Các đối tượng "cát tặc" ngày càng hoạt động tinh vi, sử dụng tàu công suất lớn để "đánh nhanh rút gọn"
Ngay những ngày đầu triển khai kế hoạch, Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường CATP đã bắt giữ nhiều đối tượng cùng phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, góp phần giữ bình yên cho những dòng sông…
Không cho "cát tặc" trở tay
Điển hình, 19h30 ngày 4-5, tổ công tác Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội trực tiếp phát hiện, đồng thời phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra, bắt quả tang tàu hút, vỏ sắt mang số đăng kiểm VR-: 02012746, do Nguyễn Văn Kiên (SN 1967, ở phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm) điều khiển, đang vận hành đầu nổ, sên vòi khai thác cát trái ở lòng sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm).
Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn Kiên không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến phương tiện, bằng lái, chứng chỉ điều khiển phương tiện và không có giấy phép khai thác khoáng sản.
Qua xác định, khối lượng cát Nguyễn Văn Kiên khai thác trái phép từ dưới lòng sông lên tàu là 25,2m3. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, hồ sơ ban đầu và bàn giao hồ sơ, đối tượng cùng tang vật, phương tiện cho Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bắc Từ Liêm tiếp tục xử lý theo quy định.
Tương tự, khoảng 21h30 ngày 5-5, Tổ công tác Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội tiếp tục phát hiện và phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra, bắt giữ tàu hút vỏ sắt, không số hiệu do Bùi Đăng Chung (SN 1974, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) điều khiển, đang vận hành đầu nổ, sên vòi khai thác cát trái phép dưới lòng sông (đoạn thuộc địa bàn phương Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm).
Tại thời điểm kiểm tra, Bùi Đăng Chung không xuất trình được bất cứ giấy tờ có liên quan đến phương tiện, bằng lái, chứng chỉ điều khiển phương tiện và cũng không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Khối lượng cát trên tàu khoảng hơn 27m3.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, hồ sơ ban đầu và bàn giao hồ sơ, tang vật, phương tiện, đối tượng cho Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bắc Từ Liêm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.
Dù đêm khuya, rạng sáng hay những ngày nghỉ lễ, Tết và cả những đêm mưa gió, các trinh sát Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường vẫn không quản ngại tổ chức công tác trinh sát, bám địa bàn. Dù một thông tin nhỏ ở đầu dây bên kia báo có dấu hiệu hoạt động “cát tặc” là các trinh sát lại lên đường. Chính điều đó, “cát tặc” cứ ló đầu đều bị bắt giữ.
Bám sát địa bàn
Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cho biết, thực tế ai cũng nhìn thấy rất rõ hiện nay là do nhu cầu quá lớn về nguồn vật liệu xây dựng (cát), nên giá thành đẩy cao, khi nguồn hàng khan hiếm, các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, lén lút khai thác cát trái phép nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, kiếm lời bất chính. Đánh vào lòng tham này, nhiều đối tượng không ngần ngại lén lún khai thác cát trái phép. Thậm chí còn tổ chức hoạt động khai thác với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đối với các đối tượng khai thác khoáng sản (cát) phải có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị mới đem lại hiệu quả cao nhất.
Chính vì am hiểu nhất về hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông như vậy, việc đấu tranh với “cát tặc” đòi hỏi từ người chỉ huy đến CBCS phải đủ bản lĩnh, chấp nhận khó khăn thách thức, thậm chí trong đó có cả đe dọa của những đối tượng vi phạm. Nếu không kiên quyết với “cát tặc”, để cho hoạt động khai thác khoáng sản (trong đó chủ yếu là cát) lộng hành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, phát sinh không ít hệ lụy.
“Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP về việc triển khai đợt cao điểm phòng ngừa, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (từ 15/4/2020 – 14/6/2020), Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường CATP đã bắt giữ nhiều đối tượng cùng phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép”, Đại tá Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cho biết, để siết chặt tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, lực lượng Công an cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các ngành liên quan. Đặc biệt cần làm tốt công tác phòng ngừa, công tác trinh sát nắm chắc địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao để người dân hiểu, vận động người dân tham gia tố giác các hoạt động khai thác cát trái phép.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, liên quan đến việc đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép, các đối tượng ngày càng tinh vi. Có lúc đối tượng sử dụng các phương tiện nhỏ “đánh lẻ” nhằm tránh sự truy quét của lực lượng chức năng, nhưng cũng có lúc thì sử dụng tàu công suất lớn để “đánh nhanh rút gọn” gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Thượng uý Lê Huy Long, cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đối với các đối tượng khai thác khoáng sản (cát) phải có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị mới đem lại hiệu quả cao nhất. Hiện trên địa bàn Thủ đô có khá nhiều tuyến sông, song chỉ có sông Hồng, sông Đuống là nằm trong diện thường xuyên bị “cát tặc” rình rập ra tay.
“Các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi như lợi dụng địa bàn giáp ranh, ngày nghỉ, lễ, Tết, cuối tuần và sử dụng các phương tiện tàu khai thác có công suất lớn. Mặt khác, đối tượng tổ chức lực lượng cảnh giới dày đặc, thường xuyên có các phương tiện tàu cá lượn lờ để theo dõi các phương tiện lạ xuất hiện. Chính vì vậy, đã gây khó khăn rất lớn cho việc tổ chức kiểm tra, bắt giữ nhóm phương tiện trên. Để không cho “cát tặc” trở tay thì việc quan trọng là các trinh sát cần sát sao bám địa bàn”, Thượng uý Lê Huy Long chia sẻ.