Bài thuốc gia truyền cứu nhiều người thoát "án tử" do rắn độc cắn

ANTĐ - Ở những vùng cao huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là miền rừng núi nên có rất nhiều rắn độc, bà con dân tộc đi rừng hái củi, lên rẫy thường xuyên. Nhiều người khi bị rắn độc cắn nắm chắc cái chết nhưng nếu được bàn tay của ông Lý Văn Tâm ở thôn Khuổi Tắng, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới chữa trị thì đều thoát được “lưỡi hái tử thần”.

Ông Tâm bên cây sung lá to, một vị quan trọng trong bài thuốc chữa rắn cắn

“Khắc tinh” của rắn độc

Chúng tôi tìm đến nhà thầy thuốc vùng cao Lý Văn Tâm người dân tộc Tày, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn này vào một buổi sáng đông lạnh lẽo. Cách vài chục cây số đường rừng, đèo dốc từ thị trấn Chợ Mới mới đến được nhà của ông Tâm. Tiếp chúng tôi bên bếp lửa ngày đông, ông rót chén rượu ngô của người Tày mời khách, rồi chậm rãi phì phèo điếu thuốc kể về chuyện chữa trị rắn cắn cho chúng tôi nghe.

Nghề làm thuốc chữa rắn cắn của ông đã có từ thời cụ thân sinh ra ông, sau này ông được truyền lại và bắt đầu chữa trị từ năm 1976. Ông kể rằng vào nghề đã được ngót 40 năm nay. Ở đây là miền rừng núi rắn độc nhiều lắm. Từ đó đến nay ông chữa trị cho rất nhiều người đến nỗi không nhớ hết là bao nhiêu, chỉ đại khái là hàng trăm người. Ông nói vui: “Nếu biết trước tôi ghi chép cẩn thận họ tên và số lượng cung cấp cho các chú”. Bệnh nhân của ông không chỉ riêng Bắc Kạn, mà còn ở Thái Nguyên và các vùng lân cận biết tiếng tìm đến. Bệnh nhân thường chữa trị tại nhà ông, một số ít đến lấy thuốc về để chữa trị. Có vài lần vào vụ xuân, vụ rắn sinh sản nên có nhiều người bị  rắn cắn đến chữa trị khiến căn nhà sàn của ông như một bệnh viện.

Ông Tâm cho biết hồi năm ngoái có ông Mạn người cùng xã bị rắn hổ mang chì cắn vào tay khi đi lấy củi. Khi ông Mạn đến chữa  vết thương trong tình trạng thịt đã thối rữa hết cả, lòi cả xương ra ngoài. Ông phải lấy thuốc đun rửa, cho uống, đắp vào chỗ thịt đang hoại tử mới cứu được cánh tay. Do thịt bị hoại tử nhiều nên khi khỏi ở chỗ vết thương da vẫn bị teo vào trông dúm dó. Ông Tâm nói: “giá mà ông ấy đến sớm thì tôi sẽ cứu được cánh tay lành lặn như cũ”.

Rồi có bà Xí Đào bên xã Yên Cư, cùng huyện bị hổ mang chúa cắn lúc ra vườn rau. Khi đến gặp ông chữa trong tình trạng hết sức nguy kịch, ngất đi ngất lại nhiều lần. Ông phải thức cả đêm để trông nom chữa trị vì đây là ca bệnh khá nguy kịch, nọc độc chạy đến tim. Phải đến ngày thứ mười thì bà Đào mới khỏi và có thể về nhà. Và ông nhớ nhất là người bệnh tên Học ở bản Na Thác, xã Khuổi Là bị rắn cạp nia cắn khi lấy gỗ trong rừng. Lúc đến nơi, người bệnh trong tình trạng tím tái, không thở được nữa, do nhà ông Tâm không có bình ôxy nên phải đưa ra cơ sở y tế để thở ôxy và ông dùng thuốc để chữa trị. Bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch, uống thuốc của ông đến hơn mười ngày thì khỏe hoàn toàn. 

Khi chúng tôi hỏi: “Trong ngần ấy năm hành nghề ông đã bao giờ bó tay trước trường hợp bị rắn cắn nào chưa?”. Ông cười nói: “Tôi chưa bao giờ chịu trận cả, nếu được chuyển đến đây tôi đảm bảo chữa khỏi được, vì nếu không chữa khỏi thì đâu dám nhận, chết người chứ chẳng đùa”. Có những lần do bệnh nhân ở tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn không chuyển đến được, người nhà phải đến tận đây để đón ông đi nhờ ông ra tay cứu chữa. 

Bài thuốc đơn giản từ cây cỏ trên rừng

Tiếp câu chuyện ông nói: “Việc chữa trị cần rắn độc cắn cần nhất là việc xác định chủng loại rắn thì mới cứu chữa nhanh được. Nếu càng sớm thì chữa càng chóng bình phục vì nọc độc chưa vào tim”. Khi được hỏi về các vị thuốc và cách làm thuốc ông nói: “Vị thuốc chữa rắn cắn bao gồm nhiều vị khác nhau, trong đó có một loại chính dùng trong chữa trị tất cả các loại rắn cắn, các vị thuốc còn lại dùng để kết hợp với cây thuốc chính kia và tùy thuộc vào nọc độc của từng loại rắn”. Và cây thuốc luôn sẵn trong rừng, quan trọng chỉ là biết kết hợp từng vị trong bài thuốc là được.

Việc dùng thuốc cũng tùy mức độ nặng nhẹ của từng ca bệnh mà kết hợp thuốc. Tất cả những bệnh nhân sẽ được ông cho uống một loại cây thuốc dùng để ngăn chất độc phát tán. Với những bệnh nhân bị hoại tử hết thịt thì ông sẽ dùng loại cây có công dụng như kháng sinh để ngăn loại tình trạng hoại tử, rồi dùng thuốc uống và đắp lên vết thương. Những bệnh nhân nặng sẽ phải dùng cả ba hình thức là uống thuốc, đun thuốc rửa vết rắn cắn và đắp thuốc.

Nếu những ca nặng và rắn độc như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia thì phải dùng đến nhiều vị thuốc trong một bài thì mới trị được. Kinh nghiệm nhiều năm làm thuốc ông rút ra đó là: dùng thuốc tươi chữa trị sẽ hiệu quả 100%, còn dùng thuốc phơi khô hiệu quả chỉ còn 70%. Với nọc độc của những loại rắn ông thấy chỉ có con cái cắn thì nọc đọc sẽ gây thối thịt, con đực tuy không gây thối thịt nhưng nọc độc lại mạnh hơn. Loại rắn hổ mang bành hay chính là hổ mang chúa nọc độc thì cực mạnh nhưng người bệnh không bị hoại tử thịt.

Ông Tâm cho biết, với những người bệnh mà mới bị rắn cắn từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ thì dùng thuốc của ông sau 48 tiếng đồng hồ sẽ khỏi. Còn với những người bị rắn cắn 5, 6 tiếng do chất độc phát mạnh, chữa phải mất thời gian dài hơn. Nhưng bệnh nhân nào nặng nhất thì cũng chỉ mất mười bảy ngày thì sẽ khỏe mạnh hoàn toàn.

Đã từng được vinh danh

Ông Tâm vào Hội Đông y của xã Bình Văn đã được gần 20 năm, hiện nay ông làPPhó Chủ tịch của hội. Là thành viên cốt cán của hội, ông được mọi người rất tín nhiệm. Bài thuốc chữa rắn của ông cũng từng được vinh danh trong những Hội thảo Đông y của tỉnh Bắc Kạn năm 2010. Cách đây 2 năm, Hội Đông y của tỉnh đã cử người xuống để lấy tư liệu về bài thuốc của ông để nhân rộng nhưng họ lại không có một đãi ngộ nào dành cho ông mà đơn giản chỉ là muốn xin bài thuốc nên ông đã từ chối, ông Tâm nói rất thật: “Nghề tôi được truyền lại, lại là thuốc gia truyền của họ Lý mà họ không có đãi ngộ nên tôi phải từ chối thôi”. Rồi ông Tâm dẫn chúng tôi ra vườn thuốc của ông ở chân núi gần nhà và chỉ cho chúng tôi một vài cây thuốc dùng trong chữa trị rắn cắn. Chỉ vào một cây có lá rất to ông cho biết: “Đây chính là một vị quan trọng trong bài thuốc chữa rắn cắn có tác dụng ngăn chất độc của rắn”. Loại cây này chính là một loại thuộc họ cây sung, hay còn gọi là sung lá to. Lá của cây này to hơn lá Sung rất nhiều, khi nhấm vào miệng có vị ngái. Rồi ông chỉ tiếp sang bên  một loại dây leo, lá giống lá dây củ đậu và nói: “Đây chính là cây khau cát, vị thuốc dùng đun uống và đắp vết thương chống hoại tử thịt”.

Hành nghề nhiều năm nay, nhưng theo ông Tâm thì công xá chữa rắn cắn ở đây chẳng là bao. Trước kia sau mỗi lần chữa trị thì người ta trả công cho ông bằng một chai rượu và một con gà. Bây giờ ca nào phải điều trị lâu ngày ở nhà của ông, ông Tâm cũng chỉ lấy của họ vài trăm nghìn mà thôi. Là bài thuốc gia truyền nên ông Tâm cho biết chỉ được truyền cho người con trưởng trong gia đình. Những bài thuốc của ông được ghi chép gói gọn trong một cuốn sổ, khi truyền nghề thì người được truyền sẽ tiếp nhận cuốn sổ đó.

Từ chối lời mời dùng bữa cơm của ông chúng tôi ra về, chúng tôi cứ nghĩ rằng nếu bài thuốc  chữa trị rắn cắn hiệu quả này của ông mà được nghiên cứu, được công nhận  và nhân rộng khắp cả nước cho nhiều người biết thì chắc chắn sẽ cứu được rất nhiều người, đặc biệt ở những vùng xa xôi hẻo lánh khi tây y còn thiếu thốn để chữa trị rắn cắn.