Bài tập của sinh viên mỹ thuật bị tuồn ra gallery: Chuyện tưởng "động trời" hóa ra... bình thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Vừa qua, họa sĩ Hà Huy Mười đã chia sẻ "niềm vui" tìm lại bài tập nộp tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhưng lại có mặt ở gallery và được họa sĩ này bỏ tiền ra mua về. Bên cạnh câu chuyện cá nhân họa sĩ Hà Huy Mười, dư luận cũng đặt câu hỏi khi bài tập của sinh viên lại được tuồn ra thị trường để kiếm lời.

Bài tập giữa kỳ của họa sĩ Hà Huy Mười tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội không hiểu bằng cách nào đó, đã có mặt tại một gallery ở Hà Nội.

Tác giả của bức tranh, tức họa sĩ Hà Huy Mười đã không tiếc tiền để chuộc lại bức tranh này như một kỷ niệm thời sinh viên. Khi bài viết "Tôi mua lại tranh tôi" của Hà Huy Mười đăng trên trang cá nhân, các họa sĩ đã vào chúc mừng tác giả, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi, thậm chí là bức xúc trước cách quản lý của nhà trường đối với bài tập của sinh viên.

Cũng từ bài viết này, không ít họa sĩ cho biết, trường hợp của Hà Huy Mười không phải hy hữu đối với sinh viên các trường nghệ thuật. Một nữ họa sĩ giấu tên cho biết, bài tốt nghiệp Cao học của chị ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội không hiểu bằng cách nào lại có mặt ở nhà người quen của một thầy lang phía Nam. Trong một lần đi chữa bệnh, chị đã vô tình gặp lại tác phẩm của mình.

Họa sĩ Hà Hà Mười mua lại bài tập từ thời sinh viên từ một gallery

Họa sĩ Hà Hà Mười mua lại bài tập từ thời sinh viên từ một gallery

Sự bức xúc của các họa sĩ cũng dễ hiểu khi mọi người đều cho rằng, đáng lý bài tốt nghiệp, bài tập trong quá trình học tập của sinh viên cần được lưu giữ cẩn thận trong kho, thì nay lại trở thành một món hàng hóa nghệ thuật, được định giá và sinh lời.

Hoạ sĩ Hà Huy Mười vẫn hy vọng tranh của anh đã được đối xử tốt. Anh cho biết, tranh sinh viên tuồn ra thị trường, anh không biết chính xác là bằng cách nào? Có thể bức tranh đã được mang tặng cho một cá nhân nào đó hoặc bằng một cách chính ngạch hơn. Dẫu sao, anh vẫn là người may mắn khi mua lại được tác phẩm hơn chục năm về trước của mình

Tuy nhiên, ông Vũ Chí Công, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết, bài tập của sinh viên là thuộc quyền sở hữu của nhà trường. Vì sự sáng tạo của sinh viên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên, cơ sở vật chất nhà xưởng của nhà trường, không phải sinh viên độc lập sáng tác nên nhà trường có quyền sở hữu là đương nhiên.

"Bài tập của sinh viên, sở hữu thuộc về nhà trường"-ông Vũ Chí Công, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết

"Bài tập của sinh viên, sở hữu thuộc về nhà trường"-ông Vũ Chí Công, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết

Nhà trường chỉ tiến hành lưu giữ đồ án tốt nghiệp của sinh viên với các bài đạt loại Xuất sắc. Với những bài này, nhà trường có hồ sơ lưu giữ, có kiểm kê hàng năm, được lưu giữ vĩnh viễn trong bảo tàng và nếu để thất thoát ra ngoài thì đơn vị lưu giữ phải chịu trách nhiệm. Những bài này chỉ chiếm 5% số bài tốt nghiệp của mỗi khóa. Với những trường hợp bài tốt nghiệp trên giấy không đạt loại Xuất sắc thì nhà trường phải đốt sau 5 năm lưu trữ.

Còn với những bài tập thông thường như bài giữa kỳ, bài cuối kỳ thì việc lưu lại bài để đối chiếu nếu xảy ra trường hợp phúc tra, làm giáo cụ trực quan giảng dạy và tránh gian lận giữa các lứa sinh viên. Đây là việc giữa sinh viên và khoa hay giảng viên. Sau một thời gian sinh viên có thể tới nhận lại bài tập này.

"Việc bài tập giữa kỳ của anh Hà Huy Mười tìm lại được ở một gallery thì anh Mười cần tìm hiểu xem bài bị mất ở khâu nào. Nhà trường không có trách nhiệm lưu giữ bài tập của anh Mười", ông Công nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội còn cho biết, nhà trường chỉ làm giáo dục, không làm nơi bán tác phẩm cho sinh viên.