Bài học sau thất bại của ứng dụng dùng chung xe đạp ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoảng 5 năm trước, các đường phố ở Bắc Kinh và Thượng Hải đầy những chiếc xe đạp đủ sắc màu của các công ty khởi nghiệp dùng chung xe đạp. Nhưng hiện giờ, thị trường này thu hẹp còn lại rất ít, như một lời nhắc nhở rõ ràng về sự phấn khích nhưng cũng hỗn loạn trong “cuộc chiến ủy nhiệm” của các hãng công nghệ.

Có thể kể tên những ứng dụng công nghệ bắt đầu từ dịch vụ dùng chung xe đạp đình đám ở Trung Quốc những năm qua: Ofo với xe màu vàng, Mobike với xe màu cam, Didi Bike với xe màu xanh lục và Hellobike với màu xanh dương nhạt. Nhưng hiện giờ, Ofo chỉ là cái bóng của chính mình trước đây. Họ đã từ bỏ giao diện chia sẻ xe đạp và chuyển thành một ứng dụng mua sắm, đề nghị đền bù cho hàng triệu người dùng mà họ vẫn nợ tiền đặt cọc bằng các khoản giảm giá để mua sắm thay cho tiền hoàn lại. Xe đạp của Ofo hiếm còn được nhìn thấy trên đường phố của Trung Quốc nữa. Còn Mobike đã bị Meituan mua lại vào năm 2018 và đến tuần trước họ đã chính thức ngừng hoạt động ứng dụng di động, dù những chiếc xe đạp của họ vẫn được sử dụng qua ứng dụng của Meituan.

Xe đạp của Ofo hiếm còn được nhìn thấy trên đường phố của Trung Quốc

Xe đạp của Ofo hiếm còn được nhìn thấy trên đường phố của Trung Quốc

“Cuộc chiến ủy nhiệm” của các tập đoàn công nghệ lớn

Thông báo của Mobike vào tuần trước đánh dấu kết thúc kỷ nguyên của ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp của Trung Quốc, vốn đã bùng nổ cách đây vài năm. Năm 2015, Mobike và Ofo được coi là những người tiên phong trong việc phổ biến xe đạp kết nối GPS, thuê qua ứng dụng. Không giống như dịch vụ cho thuê xe đạp truyền thống với các trạm đỗ xe cố định, xe đạp Mobike và Ofo có thể được khóa và mở khóa bằng ứng dụng, cho phép nhận và trả từ bất kỳ địa điểm nào đặt trong các thành phố. Cả hai công ty đều nhanh chóng trở thành kỳ lân, vượt qua mức định giá 1 tỷ USD hướng tới mở rộng hoạt động tại hơn 200 thành phố ở khoảng 20 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.

Những công ty này nổi lên nhờ sự thúc đẩy từ những đợt rót vốn khổng lồ của các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent Holdings, Xiaomi, Alibaba Group Holding. Crunchbase ước tính vào năm 2018 rằng các nhà đầu tư đã rót ít nhất 4,5 tỷ USD vào 4 công ty dùng chung xe đạp hàng đầu của Trung Quốc. Vào đầu năm 2018, đã có 23 triệu xe đạp dùng chung từ 77 công ty xuất hiện trên các tuyến đường của Trung Quốc, theo dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải của nước này.

Tuy nhiên, sự tràn ngập bất ngờ của những chiếc xe đạp bị người dùng vứt bỏ một cách bất cẩn ở các khu vực công cộng cũng khiến các nhà quản lý và các nhà quy hoạch thành phố trên khắp Trung Quốc phải đau đầu. Đáp lại, các nhà chức trách trên toàn quốc đã đưa ra những hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng xe đạp thuê. Và hậu quả là, hầu hết mọi thành phố lớn ở Trung Quốc hiện nay đều có một “nghĩa địa xe đạp” với hàng trăm nghìn chiếc xe hai bánh không sử dụng được xếp chồng lên nhau sau khi các nhà điều hành phá sản.

Kinh doanh mạo hiểm hay “đốt tiền”?

Chiến thuật “đốt tiền” để thu hút người dùng và mô hình kinh doanh dùng chung xe đạp nhiều rủi ro này hóa ra không bền vững. Trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư tìm cách rút tiền mặt, các công ty dùng chung xe đạp bắt đầu xem xét các thương vụ mua bán và sáp nhập để duy trì hoạt động trong nửa cuối năm 2017. Li Bin, một trong những nhà đầu tư thiên thần của Mobike, cho biết: “Cuối cùng thì đó chỉ là đốt tiền. Người dùng cảm thấy họ có thể tận dụng các chuyến đi miễn phí, nhưng mọi thứ chỉ đến và đi rất nhanh”.

Trong khi đó, số phận của Ofo và Mobike dường như không thể ngăn cản những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, với túi tiền dồi dào, tham gia vào cuộc chiến giá cả tiếp theo. Ví dụ, xu hướng thương mại điện tử mới nhất là mua hàng tạp hóa theo nhóm cộng đồng (mua số lượng lớn với giá chiết khấu cao) đã đẩy giá rau củ xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Xu hướng này đã trở nên phổ biến trong bối cảnh phong tỏa vì Covid-19 hồi đầu năm, nhưng nó cũng cho thấy các công ty thương mại điện tử lớn sẵn sàng cung cấp sản phẩm bị thua lỗ chỉ để bảo vệ thị phần. “Đốt tiền để tăng lưu lượng truy cập và bảo vệ thị phần là hành vi thị trường có thể chấp nhận được nhưng thường dẫn đến thua lỗ mà không có lợi cho bất kỳ ai”, ông Ma Ce, một luật sư tại Hàng Châu, chuyên về các dịch vụ internet, nhận định.