Bài học đắt giá và giải pháp phòng chống tội phạm mua bán người

ANTĐ - Nhân “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” 30-7 hàng năm, theo Quyết định số 793/QĐ-TTg (ngày 10/5/2016) của Thủ tướng Chính phủ, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an, có những khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành phòng chống tội phạm mua bán người, Trung tá Khổng Ngọc Oanh nhận định: Nhóm tội phạm mua bán người hoạt động vô cùng nguy hiểm, có nhiều khả năng bao bọc thân phận dưới một thân phận hoàn hảo để lấy lòng tin của nhiều người, rồi rủ rê đi chơi. Khi thấy đối tượng đã nhẹ dạ cả tin thì lừa bán nạn nhân đúng như kế hoạch mà chúng đặt ra từ đầu.

Tội phạm mua bán người có thể thay đổi về phương thức thủ đoạn, triệt để lợi dụng danh nghĩa Công ty, Trung tâm bảo trợ (để mua bán trẻ em), các trang mạng xã hội, các hình thức du lịch, kết hôn, tìm việc làm để thực hiện hoạt động mua bán người. Nạn nhân ngoài những người khó khăn về kinh tế, nhận thức hạn chế thì nay nữ sinh, sinh viên, những em gái sống trong gia đình đầy đủ cũng trở thành nạn nhân của mua bán người.

Bên cạnh đó tiêu điểm chính là những thiếu nữ mới lớn, học sinh, sinh viên còn hạn chế trong nhận thức và kinh nghiệm, kỹ năng sống, dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen; không chỉ là phụ nữ, nam giới ở những vùng nông thôn, vùng núi, biên giới khó khăn muốn tìm việc làm ở nước ngoài cũng là những miếng mồi dễ trở thành nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm mua bán người.

Đối tượng Ngô Quốc Viện và Vũ Mạnh Viện khi bị cơ quan bắt giữ trong chuyến án QB1215 vào hồi 04/2016. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp).

Từ chuyên án bí số 916C và QB1215…

Cuối năm 2016, chuyên án trinh sát bí số 916C và chuyên án QB1215 mang ý nghĩa không chỉ là đòn đánh khiến bọn tội phạm trong và ngoài nước khiếp sợ, mà còn là tiếng chuông cảnh báo tới tất cả người dân thật cẩn thận khi tiếp xúc với những người mới quen để tránh rơi vào bẫy của tội phạm mua bán người. Đồng thời là bài học đắt giá mà mọi người cần nâng cao cảnh giác với chúng từ vụ án trên, nhất là giới phụ nữ nằm trong nhóm đối tượng chúng hướng tới.

Cụ thể là những đối tượng gặp khó khăn về kinh tế rất dễ trở thành con mồi của tội phạm mua bán người thực hiện. Theo tài liệu từ cơ quan điều tra của Cục Cảnh sát hình sự, đầu tiên đơn cử là chuyên án trinh sát bí số 916C được phá thành công vào hồi tháng 10/2016. Bởi đây là chuyên án tập trung phải đấu tranh với băng nhóm tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, mang tính chất có nhiều phức tạp nên Cục Cảnh sát hình sự phải phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an với Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam.

Đường dây này được xác định mua bán người từ Campuchia qua Việt Nam sang Trung Quốc, có sự cấu kết giữa các đối tượng người Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc. Qua xác minh, ban chuyên án nhận định phía đối tượng Sơn Thị Thúy cầm đầu đường dây ở Việt Nam, đóng vai trò tổ chức cho những phụ nữ được đưa từ Campuchia qua Việt nam rồi bán cho một đối tượng dắt gái ở Trung Quốc. Kể từ lúc tổ chức đường dây này, Thúy đã đưa được 4/7 nạn nhân Campuchia trót lọt sang Trung Quốc.

Trong quá trình giải cứu 3 nạn nhân phụ nữ người campuchia nói trên, các cán bộ Cục Cảnh sát hình sự nhận định: Nếu 3 nạn nhân phụ nữ người camphuchia nói trên bị bán sang Trung Quốc trót lọt, thì không nằm ngoài khả năng là trở thành nô lệ tình dục trong các nhà chứa hoạt động mại dâm.

Khép lại chuyên án trinh sát bí số 916C, ngày 31/12/2015, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục ký quyết định xác lập Ban chuyên án mang tên QB1215. Bước đầu theo đề nghị từ Cục Phòng chống tội phạm ma tuý, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình.

Bằng các phương pháp nghiệp vụ, cơ quan Cục Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng xác định được đối tượng Ngô Quốc Viện (SN 1992) trú tại xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) có liên quan đến vụ 3 nạn nhân là H.T.H.Trang (SN 1993) trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) bị lừa bán sang Trung Quốc vào tháng 1/2015.

Cùng cảnh ngộ với Trang, hai nạn nhân khác là H.T.T.Dương (SN 1994) cũng quê ở tỉnh Quảng Bình và nạn nhân Tr.T.Anh (SN 1996) quê ở tỉnh Yên Bái, cũng bị lừa bán sang Trung Quốc vào tháng 10/2015.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Cục Cảnh sát hình sự nhận định các nạn nhân đã bị đối tượng Viện tiếp cận cùng một phương thức thủ đoạn là làm quen qua mạng facebook. Mục đích là để tiếp cận kết bạn rồi tán tỉnh yêu đương, sau khi chiếm được tình cảm của nạn nhân, một mặt nhóm tội phạm đã rủ rê nạn nhân về quê Hải Dương chơi. Mặt khác, các đối tượng đã tạo ra được lý do hợp lý rồi đưa các nạn nhân sang Trung Quốc bán cho những đối tượng người Việt Nam đang sinh sống tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc).

Trung tá Khổng Ngọc Oanh (bên trái), cán bộ Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trong một chuyến công tác ở Philipines. (Ảnh: NVCC).

Qua nắm bắt kĩ các hoạt động của các đối tượng trong đường dây, Ngày 05/04/2016, Ban chuyên án QB1215 đã bắt giữ thành công đối với hai đối tượng là Ngô Quốc Viện (SN 1992) trú tại xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) tại Hà Nội và Vũ Mạnh Viện ở Hải Dương về trụ sở Cục Cảnh sát hình sự. Tại đây, các đối tượng đã khai nhận, trong thời gian từ tháng 12-2014 đến tháng 9-2015, Viện đã cùng đồng bọn 4 lần đưa các nạn nhân sang Trung Quốc bán.

Cần nâng cao “cảnh giác” tội phạm mua bán người

Qua hai chuyên án phức tạp, nhân “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh đưa ra một số ý kiến giải pháp sau: “Không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người dân cũng cần thận trọng và chú đến thông tin của những đối tượng đang tiếp cận bản thân chúng ta trước khi quyết định đi làm việc, đi chơi, lấy chồng ở nước ngoài.

Không dễ dãi trong việc kết bạn làm quen trên môi trường mạng. Không vội nhận lời đi chơi, đi ăn uống, du lịch với người mới quen, hoặc quen trên mạng, khi chưa có đầy đủ thông tin về người đó. Trước khi đi cần thông tin trao đổi với người thân, bàn bè là đi với ai, đi đến đâu, dự kiến thời gian về…”.

“Về góc độ vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người, Báo An ninh Thủ đô và các tờ báo thuộc lực lượng Công an nhân dân cùng các cơ quan báo chí trong nước đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người. Cũng thông qua các kênh báo chí truyền thông, nhiều người dân đã nhận thức được về các phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người. Từ mỗi vụ án được đăng tải, mỗi người dân trong nước có thêm kiến kiến thức am hiểu để cùng nhau cảnh giác và tự bảo vệ mình…”, Trung tá Oanh chia sẻ.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho biết thêm: Trong những năm gần trở lại đây, diễn biến hoạt động của nhóm tội phạm buôn bán người ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Được biết, mỗi năm phát hiện có trên dưới 500 vụ mua bán người, với hơn 1.000 nạn nhân bị mua bán... Năm 2016 có giảm nhưng không cơ bản, luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng: 70% mua bán sang Trung Quốc, 11% sang Lào và Campuchia, còn lại đi các nước khác trong khu vực. Vì thế chúng ta cần nâng cao cảnh giác trong mọi hoàn cảnh làm quen trên mạng xã hội và đời thực...