Bài học đáng suy nghĩ

ANTĐ - Có chuyện gì mà mặt mũi đăm chiêu thế bác?

- Tôi vừa đi họp phụ huynh cho thằng cháu đích tôn về. Chà… chà, tình trạng mua “quan” bán “tước” diễn ra công khai quá.

- Bác nói gì mà phi lý thế, thằng cháu bác mới vào lớp một, lắm lúc mải chơi còn “bĩnh” cả ra quần, làm “quan” thì ‘cai trị” được ai?

- Bác lạc hậu quá, trước khi nhập học cả tháng trời, người ta đã chen nhau tới nhà “thăm” cô giáo chỉ để “xin” cho con cháu một chức nào đó. To cao, đẹp trai, nhà giàu thì làm lớp trưởng, loại làng nhàng mà có tiền thì làm lớp phó. Thậm chí, có đứa bị “đao” mà bố mẹ cũng chạy được cho chức quản ca đấy.

- Làm cán bộ lớp có bổng lộc gì đâu mà mọi người lo lót kinh thế?

- Mối lợi về vật chất không có gì, nhưng điều này lại giải quyết khâu oai cho con, cho cháu. Hơn nữa, đây chính là điều kiện để bọn trẻ làm quen dần với cung cách quản lý, ăn trên ngồi chốc, trị vì thiên hạ.

- Nguy hiểm quá, đây chính là mầm mống của thói hống hách, ích kỉ, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của nhau để tranh giành mối lợi sau này.

- Ở đâu chẳng thế, hễ có tập thể là có tầng lớp lãnh đạo, là có bon chen, chạy chọt.

- Bác nhầm, mỗi lớp tiểu học ở Hàn Quốc đều có 4 chức danh gồm Người giúp đỡ, Người gọn gàng, Người chia sẻ, Người ăn uống. Các chức danh này giao luân phiên hàng tuần, ai cũng phải làm, nhằm giúp các bạn ăn mặc gọn gàng, học tập tấn tới, động viên nhau vượt qua khó khăn.

- Nếu chỉ có “nhiệm kì” ngắn như thế, các cháu có tranh thủ “gặt hái” không bác?

- Không hề. Cách làm này còn rèn luyện cho các cháu tinh thần trách nhiệm với tập thể, với cộng đồng, đây là bài học để các nhà quản lý giáo dục nước ta suy ngẫm.