Bài học cuộc đời quá đắt

ANTĐ - Có hàng nghìn lý do khiến con người tự đánh mất mình. Có người vì hám lợi mà mù quáng làm liều, có người vì mất kiềm chế, vì suy nghĩ lệch lạc, nhưng cũng có khi chỉ vì những lý do không đâu để rồi phải đánh đổi cả cuộc đời phía sau song sắt…

Hám lợi, lười lao động là lý do khiến khiều bạn trẻ sa ngã

Tôi cứ tiếc mãi cho khuôn mặt xinh xắn và dễ thương của Phạm Thị Thanh - phạm nhân của Trại tạm giam số I - CATP Hà Nội. Thanh khiến tôi chú ý bởi nước da trắng, dáng người cao và đôi mắt ướt, buồn luôn lảng tránh cái nhìn của người đối diện. Cho tới tận bây giờ, khi đã thụ án được hơn 1 năm, cô gái này vẫn chưa thể vơi đi mặc cảm bởi tội lỗi. Thanh bảo, tới tận lúc bị bắt, em cũng không thể tin việc làm đó của em là phạm tội. Nếu biết phải trả giá thế này thì em đã không làm cái điều ngu dại ấy.  So với nhiều phạm nhân, 4 năm tù của Thanh là cái án khá ngắn, nhưng để làm lại cuộc đời sau đó sẽ phải mất thời gian khá dài. Thế cho nên, mỗi khi có ai hỏi về lý do vào tù của mình, Thanh lại khóc.

Có lẽ cuộc đời em sẽ yên ổn như bao cô gái quê của cái xã Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ nếu cái đói, cái nghèo không bám nhằng nhẵng lấy gia đình như một thứ keo dính không biết đến bao giờ mới chịu buông tha - như bao phạm nhân khác, Thanh bắt đầu câu chuyện của mình  bằng những hồi ức về gia đình, bố mẹ. Bố mẹ em sinh được 3 người, em là chị cả. Cả nhà, quanh năm đánh vật với mấy sào ruộng mà không đủ ăn - anh biết đấy, đất Hạ Hòa nhà em được coi như nghèo nhất tỉnh Phú Thọ - em là chị cả phải tính cách nào đó thoát ly để giúp chính mình và gia đình. Nghĩ thế, Thanh xuống Hà Nội.

Nhưng Hà Nội không như Thanh nghĩ. Không nghề nghiệp, văn hóa chỉ mới hết cấp 2, bươn chải, lăn lộn nhờ vả mãi cuối cũng cô cũng xin được công việc bán quần áo cho một cửa hàng trên phố Thợ Nhuộm với mức lương 2 triệu đồng mỗi tháng. Lúc ấy, kiếm được việc như thế là em mừng lắm - Thanh bảo. Ở quê em, số tiền đó rất to, nhưng ở Hà Nội thì chẳng ăn thua gì. Thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày, dè sẻn lắm thì cuối tháng cũng chỉ để ra được vài trăm nghìn đồng. Đến bây giờ em nghiệm ra rằng, cuộc sống muốn hạnh phúc là đôi khi phải biết hài lòng với chính mình. Người ta cứ nghĩ tiền là tất cả, thực ra không phải thế, tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng đừng cố kiếm tiền bằng mọi giá. Nếu không nó sẽ là ngọn nguồn bikịch của chính mình. Hơn một năm nằm trong này, những giá trị của cuộc sống đã được cô gái sinh năm 1978 này chiêm nghiệm làm bài học xương máu cho chính mình.

Thanh bảo, chính vì nghĩ nhiều quá đến tiền nên em mới sa ngã như ngày hôm nay. Lẽ ra cuộc đời em cũng yên ổn nếu biết chấp nhận cuộc sống. Anh tính, lúc ấy dù nghèo nhưng em cũng khá hạnh phúc bởi có một người đàn ông hiểu hoàn cảnh của em và đến với em rất chân thành. Anh ấy là con trai Hà Nội, gia đình cũng không giàu có gì nhưng cơ bản là anh ấy hiểu và yêu em. Vậy mà em đánh mất tất cả chỉ vì một lý do rất… giời ơi đất hỡi.

Em thuê nhà ở Thanh Lương, tại khu trọ của em có khá nhiều cave. Ngày mới về đấy ở, em cũng không giao du nhiều với vì khá “dị ứng” với công việc của họ. Nhưng dần dần, ở lâu thành quen, rồi chơi với nhau. Trong lúc trò chuyện, có cô còn nói thẳng: “Chị có khách thì cứ giới thiệu với em, em sẽ cắt “phế” không để chị thiệt”. Nói thực là hàng xóm của nhau, em cũng chẳng nghĩ sẽ “ăn tiền” của chúng nó. Thế nên một lần có người hỏi, em “vô tư” giới thiệu mà không hề suy nghĩ. Lần môi giới mại dâm ấy, Thanh không lấy tiền hoa hồng, cô nghĩ đơn giản là… “giúp bạn”. Tai họa đến ngay lần thứ 2 - Thanh nhớ lại - hôm ấy em hết tiền nạp card điện thoại, thế là tặc lưỡi khi có một “lời đề nghị khiếm nhã” của khách làng chơi. Cô môi giới cho một “cuộc vui” cho đám cave tại khách sạn Thế Kỷ Mới. Khi công an bất ngờ ập vào kiểm tra hành chính cả khách và gái mại dâm đều khai ra Thanh là người chắp mối. Bản án 4 năm tù chấm dứt những ước mơ về một gia đình bé nhỏ đang nhen nhóm hình thành trong cô.

Vậy đấy, em đánh mất tất cả chỉ vì cái thẻ điện thoại trị giá 200 nghìn đồng. Nghe tin em bị bắt vì tội môi giới mại dâm, bố mẹ em rụng rời, bạn trai thì sững sờ vì anh ấy không thể ngờ em lại “tồi tệ” đến mức ấy. Sau khi tòa xử, anh ấy cũng vào thăm em nhiều, nhưng em tự biết không còn xứng đáng với lòng tin của anh ấy nữa nên chủ động nói lời chia tay. Những lần anh ấy vào thăm tiếp theo, em kiên quyết không ra gặp, hy vọng anh ấy hiểu cho em. Thanh khóc: “Bài học mà cuộc đời dạy mình bao giờ cũng đắt. Đắt hơn nhiều những gì mà mình nhận được từ gia đình”. Rồi cô đứng dậy lặng lẽ chào tôi và đi về phía dãy nhà phạm nhân không quên kèm theo lời dặn: “Anh đừng viết tên em lên báo nhé, để em còn làm lại cuộc đời”.


(Tên nhân vật được thay đổi)