Vụ 12 thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt cóc:

Bài học cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

ANTĐ - Như ANTĐ đã đưa tin, chiều 24-7, 12 thuyền viên (ở Nghệ An và Hà Tĩnh) đã về nước sau 18 tháng bị hải tặc Somalia bắt giữ. Hiện các thuyền viên này đã về quê đoàn tụ cùng gia đình, tuy nhiên quyền lợi của họ được đảm bảo đến đâu vẫn đang là mối quan tâm lớn.

Giây phút trùng phùng của một thuyền viên với gia đình ngày 24-7

Dù chưa có buổi làm việc chính thức với 7 lao động bị bắt cóc do Việt Nam đưa đi xuất khẩu, nhưng khi trao đổi với báo chí ngày 25-7, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Công ty TM&DVTH Hà Nội - Sevico Hanoi khẳng định sẽ cam kết với người lao động và thân nhân của họ là tất cả mọi quyền lợi của người lao động, công ty sẽ yêu cầu đối tác phải giải quyết trong thời gian sớm nhất, không để người lao động thiệt thòi, sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Hoàn, việc 12 thuyền viên bị hải tặc bắt giữ là nằm ngoài ý muốn, kể cả các nước lớn như Mỹ, Nga… với tàu có công suất lớn và hiện đại cũng bị hải tặc Somalia bắt giữ. Khi sự việc xảy ra công ty đã báo cáo ngay với các cơ quan chức năng như Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH), Văn phòng Văn hóa - kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) biết để cùng phối hợp giải cứu thuyền viên. Ngoài ra, công ty đã cử cán bộ về từng gia đình thuyền viên để thông báo và động viên họ. 

Trong thời gian 12 thuyền viên bị bắt giữ, chủ tàu vẫn chuyển tiền lương cho các nạn nhân với mức cơ bản và mỗi thân nhân của họ nhận được khoảng 10 triệu đồng. Từ quý I-2012, đối tác nước ngoài giữ lại tiền của người lao động để thêm vào việc chi trả tiền cho hải tặc nên từ đó họ không chuyển lương cho người lao động. Trước tình hình đó Công ty đã trích quỹ chi trả cho thân nhân của thuyền viên khoảng gần 100 triệu đồng. Ngay chiều qua (24-7) khi các lao động về nước an toàn Công ty đã hoàn trả hết tiền đặt cọc trước khi đi cho họ (mỗi người nhận trên 10 triệu đồng). Ngoài ra, Công ty hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng cùng một túi quà trị giá khoảng 500.000 đồng. 

Tương tự, 2 công ty xuất khẩu lao động còn lại có thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt cóc cũng đã có mặt tại sân bay Nội Bài chiều 24-7 để đón các thuyền viên và trước mắt đã hỗ trợ mỗi thuyền viên 1 triệu đồng làm lộ phí về quê. Về việc này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cũng xác nhận, trong thời gian bị bắt cóc, các thuyền viên vẫn được các doanh nghiệp trả lương đầy đủ. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ từng người lao động sau khi họ về nước.

Về số tiền mà chủ tàu đã phải bỏ ra để chuộc các thuyền viên, trả lời báo chí ngày 24-5, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động - Cục Quản lý Lao động ngoài nước từ chối tiết lộ vì e ngại sẽ gây tiền lệ xấu cho những sự việc tương tự về sau. Tuy nhiên, được biết khoản tiền mà chủ tàu đã phải bỏ ra để đàm phán là khá lớn, vào khoảng 2 triệu USD. Phía chủ tàu thậm chí đã phải bán toàn bộ 8 chiếc tàu của họ để chuộc người lao động và chiếc tàu bị bắt cóc. 

Điều đáng mừng là 12 thuyền viên đều đã trở về an toàn song vụ việc đáng tiếc này cũng là một lời cảnh báo, một bài học hữu ích cho các cơ quan quản lý và cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, các doanh nghiệp cần phải rút kinh nghiệm, đó là khi sự việc xảy ra, doanh nghiệp phải bình tĩnh để đưa ra phương án xử lý phù hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng và đối tác đưa ra phương án tối ưu nhất. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phải chọn đối tác cẩn trọng, tốt trước khi đưa lao động đi làm việc. Có như vậy thì người lao động mới được đảm bảo các quyền lợi như công việc ổn định, lương cao và điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt.