“Bài ca người lính” - sống mãi với thời gian

ANTĐ - “Bài ca người lính” là bộ phim đen trắng của đạo diễn Grigori Chukhrai ra đời năm 1959. Chuyện phim giản dị nhưng xúc động lòng người.

Ra đời sau chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô khoảng 14 năm nhưng đạo diễn Chukhrai đã có cái nhìn khá nhân văn và chân thực về cuộc sống trong chiến tranh. Phim không ngợi ca chiến thắng một chiều mà ngược lại còn khơi mở nhiều góc độ tâm lý con người ở những góc khuất mà phần lớn những bộ phim làm về chiến tranh của điện ảnh Xô Viết những năm tháng đó còn né tránh. Con người không phải cứ sinh ra là đã có sẵn sự dũng cảm cũng như đức hy sinh, điều quan trọng là nhận thức về trách nhiệm và sự hy sinh đó.

Chiến thắng hoàn cảnh đôi khi cũng là sự ngẫu nhiên. Phim trở thành kinh điển trong lịch sử điện ảnh Xô Viết cũng bởi sự chân thực khác biệt đó. Mặc dù thời điểm bộ phim ra đời gây khá nhiều tranh cãi, từ chỗ phim bị chiếu hạn chế đến khi được tôn vinh như tác phẩm đỉnh cao về chiến tranh của điện ảnh Xô Viết với con số người xem kỷ lục lên tới hơn 30 triệu người. Phim liên tiếp gây choáng váng cả khán giả lẫn giới phê bình phim ở các sân chơi quốc tế, thậm chí năm 1961 còn được đề cử giải Oscar cho kịch bản hay nhất. Và người ta đã tôn vinh Chukhrai là đạo diễn thiên tài.

Chuyện phim mở đầu với hình ảnh anh lính truyền tin trẻ tuổi của Hồng quân Liên Xô - Alyosha Skvortsov hiên ngang đối diện với chiếc xe tăng Đức đang tiến thẳng về phía mình. Vượt qua nỗi sợ hãi khi đứng trước lằn ranh của sự sống còn, chàng lính trẻ lấy hết can đảm ném lựu đạn vào chiếc xe tăng. Chiếc xe bốc cháy, anh được cấp trên khen thưởng. Thay vì nhận huân chương, anh xin đổi bằng ba ngày phép về thăm và sửa lại mái nhà cho mẹ. Không khó để nhận ra, chiến công ấy chỉ là cái cớ để dẫn dắt người xem đồng hành cùng những biến cố trong cuộc hành trình trở về thăm mẹ của chàng lính trẻ Alyosha. Mà trong cuộc hành trình ấy, tác giả giống như người dẫn chuyện, đứng lẩn khuất ở một góc nào đó quan sát và kể lại chân thực những điều mình trông thấy.

Chiến tranh được thể hiện qua bộ phim không phải là những trận đánh lớn, cũng không phải bước chân dồn dập của những đoàn quân ra trận mà lại ẩn trong những câu chuyện thuộc về góc khuất của cuộc sống thời chiến. Mà ở đó bên cạnh những câu chuyện cảm động còn có cả những nỗi đau khiến người ta phải quặn lòng thốt lên: “Tại sao lại thế?”, bên cạnh anh lính trẻ Alyosha đầy lòng nhân ái giữa thời chiến loạn lạc vẫn có những con người bị chiến tranh làm nhân cách trở nên méo mó. Đó là anh chàng soát vé tàu đã quen tay nhận hối lộ, là sự phản bội mà người vợ chốn quê nhà đáp trả niềm tin của chồng mình đang chiến đấu ngoài mặt trận... Trên tàu hỏa, trong ngôi làng mà Alyosha dừng chân, không phải chỗ nào anh cũng gặp những điều tốt đẹp nhưng anh không nhảy xổ vào trách móc hay mắng mỏ như thói thường ta vẫn thấy, mà anh đã im lặng với cái nhìn nhân bản và cảm thông.

Chuyến về phép ngắn ngủi và hiếm hoi, thời khắc Alyosha về đến nhà cũng vừa vặn hết phép, anh không thể lợp lại mái nhà cho mẹ, chỉ kịp ôm từ biệt mẹ trong chốc lát rồi vội vã quay trở lại chiến trường. Thời khắc người mẹ khắc khoải nhìn theo bóng chiếc xe chở Alyosha ra mặt trận khiến người xem giật mình thấy sao thân quen đến lạ. Bóng dáng người mẹ ấy như hiện hữu không chỉ ở nước Nga xa xôi mà còn như hình ảnh người mẹ Việt tiễn con ra trận những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, như hình ảnh của bao bà mẹ anh hùng khác trên thế giới. Tình mẹ con ở nơi nào trên trái đất cũng giống nhau. Nỗi khắc khoải nào của người mẹ khi tiễn con ra trận và mong ngóng con trở về cũng đều giống nhau. Bài ca người lính đã chạm được vào tình cảm sâu thẳm của mỗi con người trên trái đất… Phim, đương nhiên không có lời nào nói tuột ra như thế nhưng mỗi khuôn hình, mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của anh lính Alyosha đã nói rất nhiều.

Alyosha đã ra đi và không trở lại. Cái chết của anh đã trở thành bất tử, nó như được báo trước ngay từ đầu phim, khi anh dũng cảm đối mặt với cỗ xe tăng Đức. Anh còn muốn và còn có thể làm nhiều việc hơn nữa nhưng chiến tranh đã tước đi điều ấy. Không quá khi nói rằng những thước phim đã chạm vào tình cảm sâu thẳm của người xem toàn nhân loại!

Đạo diễn Chukhrai nổi tiếng với phim đầu tay “Người thứ 41”, ông càng nổi tiếng hơn sau khi “Bài ca người lính” ra đời. Ông là một trong những đạo diễn có cái nhìn mới mẻ, không phiến diện một chiều khi phản ánh cuộc sống trong từng bộ phim mình làm. Người ta còn thấy sự trải nghiệm, phong cách nhất quán của ông trong những bộ phim tiếp theo như: Bầu trời trong sáng, Có một ông lão và một bà lão, Cuộc sống tươi đẹp…

Cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô kéo dài trong 4 năm (từ 1941-1945) đã không chỉ giải phóng đất nước thoát khỏi phát xít Đức, mà còn giải phóng cho nhiều nước Đông Âu thoát khỏi thảm họa này. Quan trọng hơn, chủ nghĩa phát xít trên toàn thế giới đã bị tiêu diệt và chiến thắng vĩ đại này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào giải phóng dân tộc của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua… điện ảnh Xô Viết đã cho ra đời nhiều bộ phim có giá trị phản ánh cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại này như: Số phận một con người, Tuổi thơ Ivan…

“Bài ca người lính” ngoài giá trị nghệ thuật, nhân văn sẽ còn sống mãi như “bộ giáo khoa” quý mà nhiều thế hệ biên kịch, đạo diễn, quay phim không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới có thể học hỏi ở trong đó nhiều điều bổ ích về chuyên môn cho mình.