Bài ca không bao giờ quên về một thời hoa lửa

ANTD.VN - Gần 70 tuổi nhưng sức vóc của Đại tá Nguyễn Dũng Tiến, nguyên Phó trưởng CAH Gia Lâm, Hà Nội vẫn khiến người mới gặp phải kinh ngạc. Ông khoe với chúng tôi, từ khi nghỉ hưu đến giờ đã nhiều lần tự mình lái xe xuyên Việt. Hướng ông đi là về lại các địa danh ngày trước từng chiến đấu để thăm những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại.

Bài ca không bao giờ quên về một thời hoa lửa ảnh 1Đại tá Nguyễn Dũng Tiến, nguyên Phó trưởng CAH Gia Lâm hồi ức lại những tháng ngày chiến đấu giải phóng miền Nam với phóng viên Báo ANTĐ

Ngồi với chúng tôi, ông cứ sôi nổi kể về những ngày tháng binh nghiệp của mình. Sinh ra tại Hà Nội, tuổi thơ của ông là những tháng ngày đi học, giữa tiếng ve và tiếng bom đạn gào thét. Năm 1972, cuộc chiến phá hoại của Mỹ leo thang ở miền Bắc đang vào thời kỳ ác liệt nhất cũng là lúc chàng trai Nguyễn Dũng Tiến học lớp 10. “Lúc tớ ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài nhưng suy nghĩ bay đến tận miền Nam. Cả lớp có hơn 50 học sinh, nhưng gần như tất cả con trai như tớ đều xung phong ra mặt trận” - Đại tá Nguyễn Dũng Tiến nhớ lại. Khi ông cầm quyết định nhập ngũ mang về nhà, cha ông khi đó đang là Cục phó Cục Chống phản động của Bộ Công an chỉ nói câu duy nhất: “Hãy đi theo tiếng gọi trái tim”. Ít ngày sau, ông khoác ba lô lên đường  vào Quảng Trị.

Trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa Quảng Trị 1972, ông và đồng đội đã chiến đấu anh dũng trước hàng trăm nghìn tấn bom đạn của quân thù. Dưới mặt đất, không còn bất cứ một bờ tường, hàng rào nào có chiều cao trên vài chục centimet. Tất cả bị san phẳng. Giữa những đống đổ nát hoang tàn, giữa những tiếng đạn bon rền vang khắp cả đêm ngày không ngớt ấy là tiếng cười lạc quan của những người lính đang độ tuổi đôi mươi mang trong mình khát vọng hòa bình, giải phóng dân tộc. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ấy, ông đã chứng kiến những cái chết đi vào bất tử của đồng đội mình. Những người lính trẻ dù đạn bom nổ bên tai cũng vẫn thấy bình thản, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. 

Trong một lần địch cho máy bay B52 rải thảm, ông cùng với 3 đồng đội khác là Nguyễn Mạnh Đoàn, Thái, Minh chui xuống hầm tránh bom. Hai hầm chỉ cách nhau 10m, nhưng sau trận bom, nhiều đồng đội của ông đã ra đi. Mãi sau này ông mới tìm thấy mộ của Liệt sỹ Nguyễn Mạnh Đoàn. Sau trận chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị ấy, đến giữa tháng 3-1975, ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng thành phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. 

Sau này, tranh thủ thời gian nằm ở  an dưỡng, ông mượn sách vở về ôn thi đại học và thi đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân. Học ở đây được khoảng chừng 3-4 tháng thì Học viện An ninh nhân dân có giấy yêu cầu ông về học. Ra trường năm 1981, ông được phân công về Bộ Công an. Năm 1982, cưới vợ được đúng 13 ngày, ông lại vào Tây Nguyên tham gia tiễu trừ Fulro. Những trận chiến đấu với Fulro diễn ra ác liệt trong rừng đã cướp đi không ít đồng đội của ông. Đến tháng 8-1988, ông được phân công về CATP Hà Nội công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Ông nói với những thế hệ sau rằng, biết bao nhiêu xương máu của thế hệ đi trước đã đổ xuống cho nền độc lập, hòa bình. Nếu không giữ được thì có tội với lịch sử.