“Bài ca Kết đoàn” biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021 Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bài ca Kết đoàn”.  

Trưng bày là lời khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công” được thể hiện qua 2 nội dung: “Dấu ấn nơi miền quê” và “Dưới cờ Đảng vẻ vang”.

"Dấu ấn nơi miền quê" là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng quê nghèo “bạc vai áo mẹ”, bao chiến sĩ quyết đi theo con đường cách mạng, nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường đấu tranh để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Mặc dù bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác, những người con ưu tú vẫn luôn siết chặt tay nhau, chống lại chế độ giam cầm hà khắc với tinh thần: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.

Trung bày Bài ca Kết đoàn khai mạc tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày 8/1/2021

Trung bày Bài ca Kết đoàn khai mạc tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày 8/1/2021

Nội dung thứ 2, "Dưới cờ Đảng vẻ vang" khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong di chúc, Hồ Chủ tịch đã nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng đánh dấu mốc lịch sử quan trọng: "Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa" (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước đã trải qua hành trình 35 năm đổi mới kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đi lên, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một góc trưng bày chuyên đề "Bài ca Kết đoàn"

Một góc trưng bày chuyên đề "Bài ca Kết đoàn"

Năm 2020, cả thế giới gồng mình đối phó với dịch Covid-19. Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch trên thế giới, Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Với phương châm hành động: “Chống dịch như chống giặc”, một “cuộc chiến đấu trong thời bình” bắt đầu. Bằng tinh thần đoàn kết toàn dân, đặc biệt là các “chiến sĩ” trên tuyến đầu như: cán bộ y tế, lực lượng vũ trang nhân dân, tình nguyện viên…, đại dịch Covid-19 dần được khống chế ở Việt Nam .

Trong cuộc chiến với dịch bệnh, hình ảnh những y, bác sĩ trẻ tranh thủ nghỉ ngay tại bậc thềm khu cách ly sau nhiều giờ làm việc liên tục, hay những nhân viên y tế kiệt sức sau khi cấp cứu bệnh nhân; các chiến sĩ biên phòng túc trực tại chốt phòng, chống dịch ở cửa khẩu, ăn vội bữa cơm để trên lá chuối giữa đường… là những hình ảnh không thể quên trong những ngày chống dịch.

Trong không gian trưng bày “Bài ca Kết đoàn”, du khách được sống lại không khí buổi dạ hội của nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại công viên Bách Thảo 60 năm về trước. Khoảnh khắc Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn” được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại, sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Trưng bày khai mạc ngày 8/1/2021 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.