Bãi bỏ hàng loạt quy định liên quan đến công chức, kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bãi bỏ hàng loạt quy định liên quan đến cán bộ công chức, hướng dẫn kỷ luật công chức đã nghỉ hưu vi phạm kỷ luật…là những điểm mới nổi bật tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm đồng bộ với quy định về kỷ luật công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.

Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm 1 hình thức kỷ luật công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.

Trên cơ sở đó, Điều 22 Nghị định 112 nêu rõ, trường hợp người đã nghỉ việc, nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì người ra quyết định kỷ luật là cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cao nhất.

Với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp người đã nghỉ hưu, nghỉ việc bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định kỷ luật.

Trình tự, thủ tục kỷ luật người đã nghỉ hưu, nghỉ việc được thực hiện theo 2 bước: Đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm và thời gian thi hành kỷ luật; Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật…

Ngoài ra, một trong những điểm mới tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP là thay đổi về thời hạn xử lý kỷ luật công chức.

Điều 5 Nghị định này quy định, thời hạn xử lý kỷ luật công chức không quá 90 ngày (theo quy định cũ là không quá 2 tháng);

Nếu vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, có phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm thì có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (theo quy định cũ là không quá 4 tháng).

Thời hạn xử lý kỷ luật công chức được hiểu là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, nếu qua thời hạn xử lý kỷ luật do pháp luật quy định, công chức sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng bổ sung khoảng thời gian không được tính là thời hạn xử lý kỷ luật gồm: Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự; Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Bên cạnh đó, Nghị định 112/2020/NĐ-CP còn bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức. Đó là Nghị định 34/2011/NĐ-CP; nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP; chương 6 Nghị định 112/2011/NĐ-CP; nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định 35/2005/NĐ-CP.