Bãi bỏ chương trình nhập cư DACA - nước Mỹ không còn là đất hứa

ANTD.VN - Bất chấp những đề nghị từ các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội, ngày 5-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định bãi bỏ Chương trình nhập cư DACA được phê chuẩn dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Bãi bỏ chương trình nhập cư DACA - nước Mỹ không còn là đất hứa ảnh 1Người biểu tình tại California kêu gọi “Xin đừng phá hủy giấc mơ của những người mộng mơ”

Đúng như cam kết tranh cử “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh hủy bỏ Chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA). Ông tuyên bố: “Tôi không ủng hộ việc trừng phạt trẻ em (dù đến nay đã là người trưởng thành) vì hành động của bố mẹ chúng. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng Mỹ là quốc gia có luật pháp”.

DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của Tổng thống Barack Obama, có hiệu lực từ tháng 6-2012, theo đó cho phép những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 16 tuổi được nộp đơn xin tạm hoãn trục xuất. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ không trục xuất những người được gọi là “dreamers” (những kẻ mộng mơ) này trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.

Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu. Cơ quan di trú và công dân sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không. Tuy nhiên, người làm đơn phải dưới 31 tuổi tính đến ngày 15-6-2012, sống 5 năm liên tục tại Mỹ, hoàn tất bậc trung học, không phạm tội nghiêm trọng trong thời gian lưu trú. Nhờ DACA, gần 800.000 thanh niên nhập cư, hầu hết đến từ Mexico và các nước Mỹ Latinh, hiện có thể làm việc một cách hợp pháp tại Mỹ. 

Một trợ lý đắc lực của Tổng thống Donald Trump, cũng là người phản đối DACA mạnh mẽ, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong một tuyên bố ngày 5-9 nêu rõ chương trình này “vi hiến và khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp”. 

Trong khi đó, các ý kiến phản đối đã vang lên khắp “Thung lũng Silicon” với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới tuyển dụng nhiều người thuộc diện được hưởng ưu tiên từ DACA. Những “đại gia” công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook, Microsoft hay Google phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động trẻ đã kêu gọi Quốc hội hành động với ưu tiên là bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5-9 tuyên bố quyết định của chính quyền đương kim Tổng thống Donald Trump là “tàn nhẫn” và “sai trái”. Khi hết nhiệm kỳ, ông Obama từng kêu gọi chính phủ mới suy nghĩ thật kỹ trước khi gây nguy hiểm cho những đứa trẻ thực tế không khác gì trẻ em Mỹ. “Họ là những đứa trẻ được mang đến Mỹ bởi cha mẹ. Họ không hề làm gì sai. Họ đến trường học, họ cam kết trung thành với Hoa Kỳ. Một số người còn gia nhập quân đội và cống hiến... “Những kẻ mộng mơ” này là người Mỹ trong trái tim họ, trong tâm trí của họ, theo mọi cách, trừ trên giấy tờ”.

Còn về phía các nhà lập pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Thượng nghị sĩ Orrin Hatch hôm 2-9 đã cùng một nhóm các nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối việc bãi bỏ DACA. Chủ tịch Ryan trong một cuộc phỏng vấn ở Janesville, bang Wisconsin nhấn mạnh: “Những bạn trẻ này không biết quê hương nào khác cả. Và vì vậy, tôi thực sự tin rằng cần có một giải pháp lập pháp”. Thượng Nghị sĩ Hatch nói trong một thông cáo rằng bãi bỏ chương trình này sẽ làm phức tạp hơn nữa hệ thống di trú của Mỹ vốn đang rất cần cải cách. 

Dù Tổng thống Donald Trump không yêu cầu áp dụng ngay sắc lệnh thì quyết định của ông vẫn có thể khiến cho việc ban hành các điều luật mới trở nên khó khăn và để lại hàng trăm nghìn người nhập cư trong diện đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Chuyên gia về di trú David Bier của Viện Cato cho biết, nếu chính quyền cho phép đối tượng ở lại làm việc cho đến khi hết hạn giấy phép thì vẫn có 110.652 người đối mặt nguy cơ bị trục xuất trong năm 2017; 404.000 người vào năm 2018 và 275.500 người phải rời Mỹ trong 2 năm sau đó.