Bài báo nhỏ được lãnh đạo thành phố khen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ 3 loại hình báo in, báo điện tử và Truyền hình An ninh (ATV), chủ trương - chỉ đạo xuyên suốt của Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô là mở rộng, xã hội hóa các vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa. Song, trong xu hướng chung ấy, vẫn có “mạch nguồn” là lĩnh vực - mảng miếng hết sức quan trọng, là công tác Công an, vốn luôn được đánh giá như “đặc sản” của Báo An ninh Thủ đô.
Nhà báo Hà Trung

Nhà báo Hà Trung

“Vì bình yên cuộc sống”

Độc giả thân quen, hoặc chỉ cần lưu tâm một chút sẽ dễ nhận thấy bố cục trên tờ báo in An ninh Thủ đô luôn dành các trang 5 và 14-15 hiện nay để phản ánh tình hình, kết quả… những mặt công tác liên quan đến lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an Hà Nội nói riêng. Trong đó, định hình thâm niên nhất là trang 5 - “Vì bình yên cuộc sống” mà phóng viên Ban Nội chính suốt nhiều chục năm qua thường gọi một cách thân thuộc là “trang xây dựng lực lượng”.

Thời điểm hiện tại, tôi đã có 18 năm gắn bó với Báo An ninh Thủ đô. “Trang xây dựng lực lượng” có từ trước rất lâu thời điểm tôi về “ngôi nhà” mà mình đã, đang và xác định sẽ mãi gắn bó này. Nhiều thế hệ anh chị, đồng nghiệp ở Ban Nội chính, dù tràn đầy kinh nghiệm hay mới vào nghề, đều có chung nhận xét: “Khó và ngại nhất là viết, nộp bài trang xây dựng lực lượng”!

Nếu như trang 14-15, chuyên phản ánh kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, với các vụ án, vụ việc, vốn dễ “chế biến” bởi nhiều tình tiết; thì trang 5, chỉ tập trung viết về công tác xây dựng lực lượng Công an, trên cơ sở bám sát, phản ánh việc triển khai và kết quả các chuyên đề, kế hoạch công tác Công an.

Vốn dĩ lực lượng Công an hay “ngại” nói về mình, nên nếu không có quá trình gắn bó sâu sát với Công an cơ sở để biết việc, hiểu việc, thì việc hoàn thành bài viết cho trang xây dựng lực lượng sẽ sớm bị rơi vào lối mòn, khô cứng, khiên cưỡng. Đó là chưa kể, trang 5 ngày nào cũng phải có bài!

“Góc nhìn”

Cùng với yêu cầu “sinh động hóa” các bài viết trang 5, tôi nhớ hồi đó khoảng năm 2006, 2007, Ban Biên tập giao Ban Nội chính triển khai chuyên mục mới với các tiêu chí: “Số lượng chữ không cần quá nhiều. Nhưng đúng người, đúng việc, có khen, có chê. Đặc biệt, bám sát tiêu chí “xây dựng lực lượng”. Và, “Góc nhìn” - chuyên mục thường nhật bằng bàn tay nằm ở góc trái cuối trang 5, nhiều nhất không quá 600 chữ, đã ra đời!

Giai đoạn ấy, tôi về An ninh Thủ đô mới được 2, 3 năm; trẻ nhất Ban Nội chính! Tập thể nhỏ khi đó có hơn 10 người, mà toàn những “cây” viết Nội chính được ngay cả nhiều đồng nghiệp báo bạn nể phục. Tôi may mắn được gắn bó, được học và “truyền lửa” nghề ngay từ khi ấy. Và đến giờ, tôi luôn tâm niệm một trong những người “truyền lửa” cho mình nhiều nhất, rèn cho mình ý thức trách nhiệm với công việc nhiều nhất, yêu nghề báo nhiều nhất chính là Trưởng ban Nội chính khi ấy - cố nhà báo Trần Thị Hoàng Trâm.

Có lẽ vì là “lính mới” của Ban Nội chính, nên tôi được đồng chí Trưởng ban phân công viết tương đối nhiều bài cho chuyên mục “Góc nhìn”, bởi: “Em có cái nhìn mới. Đôi khi… không hiểu một chút, nhưng cách nhìn thẳng, vô tư, sẽ đạt yêu cầu mang tính xây dựng. Cứ “nhìn”, cứ viết, chỗ nào chưa chuẩn, chỉ huy Ban sẽ điều chỉnh…”. Tôi nhớ mãi cách đặt vấn đề của đồng chí Trưởng ban.

Lãnh đạo TP Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam thăm gian báo xuân của Báo An ninh Thủ đô

Lãnh đạo TP Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam thăm gian báo xuân của Báo An ninh Thủ đô

“Lỗi tại cái… khuy áo”

Hôm ấy, đầu giờ chiều giữa tháng 7. Nắng và vắng. Theo lịch công tác, tôi đến trụ sở Công an một quận nội thành. Cán bộ trực ban không biết tôi, bởi khi đó tôi mới tiếp nhận bàn giao, theo dõi địa bàn. Bước vào phòng trực ban, chiếc quạt trần quay vù vù, cửa sổ mở toang đón gió. Chẳng buồn chào hỏi, cũng không đứng dậy, “vướng” mắt nhất là hai khuy áo ngực của người cán bộ trực ban trung tuổi bật hết, thấy cả mồ hôi lấm tấm. Ngay cả khi tôi góp ý, cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Kệ, nóng thế này chết ai!?”.

“Lỗi tại cái… khuy áo” - bài viết tròn 500 chữ tôi sản xuất, nộp chỉ huy Ban ngay cuối chiều hôm đó và “xinh xắn” nằm ở góc trái trang 5, số báo phát hành sáng hôm sau. Mọi chuyện có vẻ trôi qua, như cuộc sống vốn dĩ!

Cuộc họp toàn đơn vị, ngày thứ sáu của tuần, tôi nhớ mãi. Đồng chí Tổng Biên tập Đào Lê Bình thông báo: “Lãnh đạo thành phố gọi điện cho Ban Giám đốc CATP Hà Nội khen An ninh Thủ đô có bài viết “nói thẳng, nói thật”. Đó chính là “Lỗi tại cái… khuy áo”. Bài viết nhỏ, nhưng đã bật được những vấn đề quan trọng về công tác tiếp công dân và bố trí cán bộ tiếp công dân phải luôn giữ tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của người chiến sĩ Công an nhân dân.

Mấy hôm sau, tôi đến Công an quận đó, gặp lại đúng cán bộ trực ban “quên” cài khuy áo, và “vô tình” để lại tờ báo đăng bài viết được lãnh đạo thành phố khen. Hôm sau nữa, tôi trở lại và gặp lại vị cán bộ đó. Chiếc quạt trần và cửa sổ vẫn đón gió. Nhưng, không còn phải trông thấy khuôn ngực lấm tấm mồ hôi!

Bài báo nhỏ được lãnh đạo thành phố khen, thi thoảng tôi lại kể với đồng nghiệp, nhất là các bạn phóng viên trẻ của Ban Nội chính. Với suy nghĩ đơn giản: bài viết không quá quan trọng dài hay ngắn. Cốt yếu ở đây là “nhìn”, nêu “đúng” và “trúng” vấn đề. Nói thẳng, nói đúng, thì chí ít người “được” nói sẽ tâm phục, khẩu phục, rồi sửa. Còn vui và hạnh phúc hơn, có thể lắm chứ, sẽ được cấp trên khen!