Bài 2:  Sắm “coóng đập đá”

(ANTĐ) - Tìm đến xã Thống Nhất, huyện Thường Tín - địa danh nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh truyền thống, chúng tôi được một số nghệ nhân cho biết: đã có nhiều người tìm đến đây đặt sản xuất các loại “coóng” (bình “ục”) - dụng cụ sử dụng ma túy tổng hợp với số lượng lớn.

Tràn lan dụng cụ sử dụng ma túy:

Bài 2:  Sắm “coóng đập đá”

(ANTĐ) - Tìm đến xã Thống Nhất, huyện Thường Tín - địa danh nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh truyền thống, chúng tôi được một số nghệ nhân cho biết: đã có nhiều người tìm đến đây đặt sản xuất các loại “coóng” (bình “ục”) - dụng cụ sử dụng ma túy tổng hợp với số lượng lớn.

“Coóng đập đá” không khó để sản xuất số lượng lớn
“Coóng đập đá” không khó để sản xuất số lượng lớn

Một lần đi thổi “coóng”

Để “đập đá” (methaphetamin) - loại ma túy tổng hợp dạng tinh thể gây ảo giác mạnh, người dùng buộc phải có 1 dụng cụ chuyên biệt. Loại dụng cụ được “dân chơi” quen gọi là “coóng” hay bình “ục”. Đề cập đến loại dụng cụ sử dụng ma túy này, chỉ huy Đội 2 - Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho biết: Cách đây vài năm, đơn vị phát hiện 1 cơ sở thổi thủy tinh ở phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm có dấu hiệu sản xuất “coóng đập đá”.

Tuy nhiên quá trình đấu tranh với chủ cơ sở, người này khai: được 1 người lạ đến thuê sản xuất và không biết loại bình thủy tinh có hình thù kỳ quái này dùng vào việc gì. Với những tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra không đủ chứng cứ để truy tố người này về hành vi sản xuất dụng cụ sử dụng ma túy - đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết.

Vụ “bắt hụt” này chính là gợi ý để PV ANTĐ quyết định đi sâu tìm hiểu thực tế việc sản xuất, mua bán “coóng” “đập đá” hiện nay ở Hà Nội. Qua tìm hiểu, chúng tôi đã sưu tầm được một số hình ảnh về các mẫu “coóng đập đá”, và đem những “hàng mẫu” này đi chế tác thử. Địa chỉ chúng tôi gửi gắm niềm tin là một cơ sở thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín.

Ông Đ. - một thợ chế tác các sản phẩm từ thủy tinh sau khi xem ảnh mẫu và nghe tôi tả về cấu tạo sản phẩm, quay sang nhìn tôi hỏi vẻ nghi ngờ: Dụng cụ này dùng vào việc gì mà lạ thế? Tôi vờ không nghe thấy và hỏi lại: Anh có làm được không thì cho báo giá luôn? Vừa hỏi tôi vừa lại gần chiếc bàn để đồ nghề thổi thủy tinh. Thật bất ngờ khi trên chiếc bàn ấy cũng có 1 chiếc bình thủy tinh cấu tạo gần giống chiếc “coóng” tôi đặt làm thử. Cầm chiếc bình thủy tinh lên xem, tôi hỏi: Cái này gần giống mẫu tôi đặt, anh làm nó từ bao giờ vậy, giá thành bao nhiêu?

Thấy người lạ tò mò: ông Đ. suy nghĩ một lúc rồi nói: làm dạng bình này phải dùng ống thủy tinh tráng kiềm mới chịu được nhiệt. “Tôi phải mua vật tư về làm thử rồi mới tính toán được giá thành. Chiếc bình anh đang xem làm cách đây 6 năm, giá lúc đó đã 180.000 đồng/chiếc” - ông Đ. nói. Trước đây nhiều người, có cả người nước ngoài đến đặt sản xuất những chiếc bình thủy tinh hình thù kỳ quái kiểu này. Nhưng do là loại bình to, nhiều chi tiết tinh xảo nên tôi không làm được, đã giới thiệu họ đến xưởng khác - ông Đ. cho biết thêm.

Kẽ hở trong xử lý

Pháp luật nghiêm cấm, song tại sao các dụng cụ sử dụng ma túy gắn “mác” đồ mỹ nghệ vẫn bày bán công khai trên thị trường? Trong các vụ án ma túy khám phá thời gian qua, lực lượng công an thu được nhiều dụng cụ sử dụng ma túy tổng hợp, vậy loại tội phạm này ở Thủ đô đang hoạt động ra sao…?

Trả lời những thắc mắc này, Trung tá Trần Hữu Viễn - Đội trưởng Đội 4, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội nói: Điều 196, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma túy (từ 5 bộ dụng cụ trở lên - PV) sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24-12-2007, giữa Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp quy định: “Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để cho bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Trường hợp đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Luật quy định là vậy, tuy nhiên cái khó khăn với lực lượng làm nhiệm vụ hiện nay là: Chưa có một văn bản pháp luật nào quy định, định nghĩa cụ thể thế nào là dụng cụ sử dụng ma túy; hình dạng, cấu tạo… thế nào được coi là dụng cụ sử dụng ma túy. Chưa kể đến việc, khi kiểm tra bắt giữ, cơ quan công an phải chứng minh được người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các dụng cụ này “dùng nó vào việc sử dụng trái phép chất ma túy”, hoặc “biết đó là dụng cụ sử dụng ma túy mà cố tình sản xuất” mới có thể bắt truy tố đối tượng trước pháp luật.

Dẫn chứng từ việc bày bán “đồ mỹ nghệ”, Trung tá Viễn thẳng thắn: Với con mắt của người làm nghề, tôi nhận định các loại điếu bát, tẩu bày bán tại các cửa hàng mỹ nghệ hiện nay là dụng cụ sử dụng thuốc phiện. Những người bán hàng nhiều người cũng biết như thế, song nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, chắc chắn họ sẽ một mực cho rằng mình bày bán đồ mỹ nghệ, thủ công đơn thuần…

Việc thiếu các quy chuẩn, hướng dẫn trong xử lý hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán dụng cụ sử dụng ma túy đang là “kẽ hở” cho số đối tượng xấu hoạt động phạm pháp. Tuy vậy cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: công tác tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm này chưa được chú trọng. Không chỉ người dân mà ngay lực lượng thực thi pháp luật, nhiều người cũng chưa rõ thế nào là dụng cụ sử dụng ma túy - một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết. Các “kẽ hở” của pháp luật và bất cập trong chế tài xử lý như trên là lý do khiến loại tội phạm này vẫn nhởn nhơ hoạt động!

PV Nội chính