Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

Bài 2: Mong ước cơ hội làm lại cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ năm 2000, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng chủ trương cho phép các trại giam được thành lập khu sản xuất, sản xuất khép kín, được chính quyền sở tại đồng ý.

Từng phạm tội, thậm chí từng gây ra tội ác, hơn ai hết, các phạm nhân là những người hiểu được cái giá của sự tự do, cái giá của lao động để có cuộc sống chân chính. Vì thế, khi vào trại giam, đa phần các phạm nhân đều coi đây là bước ngoặt, là lối rẽ để họ nhìn nhận lại bản thân mình, suy nghĩ về tội lỗi trước kia, tìm cơ hội để vươn lên làm lại cuộc đời. Cũng vì lẽ đó, đa số họ đều cố gắng học tập cải tạo, nhất là những người trẻ, chưa từng trải, chưa hiểu giá trị của lao động thì khi vào trại giam, họ thấm thía, hiểu rõ nhất. Họ mong muốn được học nghề, được lao động để sau này khi trở về gia đình, cộng đồng, không bị bỡ ngỡ, không bị coi thường.

Lao động là hình thức cần khuyến khích với các phạm nhân

Lao động là hình thức cần khuyến khích với các phạm nhân

Phạm nhân Lê Phan Anh thi hành được 6/11 năm án vận chuyển trái phép chất ma tuý, đang thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến cho biết, trước làm nghề lái xe, chưa từng biết nghề nào khác. Khi vào Trại giam Hoàng Tiến, đã được dạy nghề may, được giao những công việc phù hợp với tay nghề, sức khoẻ. Hiện phạm nhân Phan Anh đang làm may bao bì, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động cho thấy phạm nhân vẫn còn là người có ích, có thể lao động sản xuất tạo ra của cải cho xã hội.

Từng là một trong những phạm nhân may mắn được học nghề đá mỹ nghệ khi đang thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, anh Trần Tuấn Sùng ở Nga Sơn (Thanh Hóa), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Tuấn Thành đã dùng chính nghề học được trong trại để khởi nghiệp. Đến nay anh đã có công ty riêng, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động.

Anh vốn là sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Suốt 4 năm sinh viên, năm nào anh cũng là sinh viên giỏi. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp sắp trở thành hiện thực thì cuộc đời Sùng bước sang một ngã rẽ khác khi phạm phải một sai lầm “chết người”, nghe bạn bè rủ đi buôn tiền giả. Sùng bị tuyên 7 năm tù, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh.

“Lúc bị kết án tôi như sụp đổ, những ngày tháng đầu ngồi tù bị sụt hẳn 10kg, nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt từ đây. Nghĩ về các em nhỏ, bố mẹ ở quê khiến tôi càng chán nản, nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết…”, anh Sùng nhớ lại.

Rồi cơ may đến với Sùng khi trại giam liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ ở xã Ninh Khánh cho phạm nhân làm. Anh Sùng như bị cuốn vào công việc này và tự nhủ mình phải học bằng được cái nghề đá mỹ nghệ để sau này làm “cần câu cơm”. Cứ thế, anh cần mẫn làm, học hỏi… Ra tù với hai bàn tay trắng, Sùng quay về quê bắt đầu bằng hai bàn tay trắng với nghề đá mỹ nghệ học được trong tù. Nhờ nỗ lực không ngừng, anh đã từng bước thành công, trở thành doanh nhân thành đạt được bao người mơ ước.

“Nếu không có nghề học được do trại giam liên kết với doanh nghiệp thì tôi sẽ không biết việc làm, không có cơ hội được như ngày hôm nay”, anh Trần Sùng cho biết.

Cũng là phạm nhân từng được ra ngoài học nghề khi thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, anh Phạm Văn Hồng, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc rất hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi có việc làm ổn định ở doanh nghiệp Tùng Phương – doanh nghiệp từng liên kết với Trại giam Vĩnh Quang tổ chức cho phạm nhân lao động làm chậu cây cảnh.

“Tôi bị tù 27 tháng, khi ở nhà chỉ biết làm nông nghiệp nhưng khi được Trại chọn đi học nghề làm chậu cây cảnh, tôi thấy rất mừng. Chỉ sau gần 1 tháng, với tay nghề khéo léo, tôi đã làm thành thạo. Sau khi hết án, tôi được doanh nghiệp nhận làm việc, thu nhập ổn định nên tôi thấy rất may mắn”.

Phạm nhân được hưởng thành quả lao động

Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như với kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam theo điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ - CP của Chính phủ. Cụ thể, kết quả lao động, học nghề của phạm nhân sau khi trừ đi chi phí hợp lý được sử dụng như sau:

14% bổ sung mức ăn cho phạm nhân; 2% lập Quỹ hoà nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; 22% bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; chi hỗ trợ phạm nhân bị tai nạn lao động.

Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân chưa thực sự phù hợp với thực tiễn lao động ngoài xã hội. Thực trạng này đã làm hạn chế hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.

Chính vì vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để giúp họ sau khi chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.

Năm 2000, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng chủ trương cho phép các trại giam được thành lập khu sản xuất, sản xuất khép kín, được chính quyền sở tại đồng ý, có cơ sở vật chất khác tại các khu sản xuất, khu lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp thực hiện, từ đó, giảm chi phí nguồn ngân sách nhà nước. Quá trình thực hiện được chính quyền và nhân dân đồng thuận, chính quyền đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với các trại giam trong quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, tổ chức lao động và đảm bảo ANTT trên địa bàn.