Bài 2: Lượng xe tăng, bãi đỗ giảm

(ANTĐ) - Mặc dù vô số điểm giữ xe tự phát mọc lên, song vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu về bãi đỗ trong khi những dự án bãi đỗ xe công cộng (giao thông tĩnh) đã được thành phố phê duyệt vẫn ì ạch dậm chân tại chỗ.

Quá tải bãi đỗ xe:

Bài 2: Lượng xe tăng, bãi đỗ giảm

(ANTĐ) - Mặc dù vô số điểm giữ xe tự phát mọc lên, song vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu về bãi đỗ trong khi những dự án bãi đỗ xe công cộng (giao thông tĩnh) đã được thành phố phê duyệt vẫn ì ạch dậm chân tại chỗ.

>>> Bài 1: Ngao ngán tìm bãi đỗ xe

Ôtô tràn ngập đường phố

Từ đường Tràng Thi, chiếc taxi bẻ lái ngoặt vào phố Triệu Quốc Đạt rồi tấp vào lề. Nó đỗ sau một dãy năm bảy xe khác. Người lái xe mở cửa bước vào quán nước kêu một cốc trà đá, nhâm nhi điếu thuốc chờ khách. Đây là điểm đỗ chờ khách quen thuộc của anh. Dọc theo con phố không dài này, hai bên lề đã có hàng chục chiếc xe ôtô đủ kiểu dừng đỗ. Phố Triệu Quốc Đạt từng là một bãi đỗ xe dưới sự quản lý của Công ty Khai thác điểm đỗ xe. Năm ngoái nó đã bị giải tỏa. Nhưng thực tế ở đây vẫn là một bãi đỗ xe khá nhộn nhịp. Các xe liên tục vào ra, xe này vừa đi đã có xe khác thế vào. Gần đó, phố Dã Tượng cũng là một bãi xe từng bị giải tỏa nhưng luôn tấp nập xe cộ dừng đỗ. Hai làn xe đậu hai bên choán phần lớn lòng đường. Tương tự các con phố Nguyễn Gia Thiều, Lê Thánh Tông, Hoàng Văn Thụ... dù bãi đỗ xe đã bị xóa sổ song xe ôtô luôn đỗ thành hàng dài ở đây.

Ôtô tràn ra đường ngay dưới biển cấm đỗ ở phố Dã Tượng
Ôtô tràn ra đường ngay dưới biển cấm đỗ ở phố Dã Tượng

Để kìm hãm sự tăng vọt xe hơi tại Hà Nội, một quy định trước đây từng được đưa ra: chủ phương tiện phải cam kết có chỗ để xe hợp lệ với hợp đồng rõ ràng mới được đăng ký xe. Nhưng xem ra biện pháp này không ngăn nổi làn sóng sắm xe hơi của người dân Hà Nội. Ước tính mỗi năm Hà Nội có thêm 40.000 xe ôtô được đăng ký mới. Trong khi đó, toàn thành phố chỉ có 127 điểm đỗ xe công cộng, mới chỉ đáp ứng được chừng 20% nhu cầu bãi đỗ xe của khách. Đa số các bãi xe này tận dụng ngay lòng đường, vỉa hè. Khan hiếm bãi đỗ, xe ôtô đành đỗ tràn ra đường, thậm chí đỗ ngay dưới cả những tấm biển cấm dừng, cấm đỗ.

Ông Tạ Đình Thắng - Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tổng diện tích bãi đỗ xe công ty đang quản lý là hơn 20ha, chỉ bằng 0,35% quỹ đất đô thị dành cho giao thông tĩnh. Nếu so với mục tiêu đến năm 2020, diện tích giao thông tĩnh sẽ đạt gần 800ha thì con số này quá nhỏ nhoi.

Bãi đỗ bị cắt giảm

“Với 40 nghìn ôtô đăng ký mới, mỗi năm thành phố cần có thêm 100 nghìn m2 làm bãi đỗ xe. Nhưng đã 5 năm rồi, không có một bãi đỗ xe đúng nghĩa nào được đầu tư xây dựng. Nó chỉ bị cắt giảm đi” - ông Thắng nói.

Đầu tháng 7 vừa qua, khi thực hiện việc cấm đỗ xe trên 56 tuyến phố, Công ty Khai thác điểm đỗ xe phải đóng cửa 9 bãi đỗ xe với diện tích hơn 4.000m2 tại các phố Lê Thạch, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Văn Thụ, Vạn Phúc, Phương Mai, Tôn Thất Tùng và Cầu Giấy. Trước đó, công ty cũng đã phải bàn giao hai bãi đỗ xe Kim Ngưu (Hoàng Mai) và Hải Bối (Đông Anh) với diện tích 61 nghìn m2 cho đơn vị khác làm chợ. Tổng cộng đã có gần 30 bãi đỗ xe bị xóa sổ với diện tích chừng 80.000m2.

Trong khi đó hầu hết các dự án xây dựng điểm đỗ xe vẫn dậm chân tại chỗ. Cái được triển khai xây dựng với tốc độ “rùa”, cái thì mới dừng trên... giấy. Dự án bãi đỗ xe ở quận Tây Hồ với diện tích hơn 20 nghìn m2 hàng chục năm qua vẫn chưa động tĩnh gì. Một công trình bãi đỗ xe 7 tầng hoành tráng ở phố Trịnh Hoài Đức với diện tích 3.500m2, sức chứa 350 xe, có hệ thống nâng xe vẫn dở dang, mãi chưa được đưa vào sử dụng. Tám dự án xây dựng bãi đỗ xe khác tại Gia Thụy, Xuân Phương, Tây Tựu, Vĩnh Quỳnh, Yên Viên, Mai Lâm, Lĩnh Nam và Phùng Khoang với tổng diện tích trên 40ha đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”.

Nở rộ dịch vụ trông xe ôtô

Bãi đỗ xe hoành tráng trong sân Bệnh viện Thanh Nhàn
Bãi đỗ xe hoành tráng trong sân Bệnh viện Thanh Nhàn

Cuối chiều, chiếc xe Altis len lỏi qua dòng người trên con phố Dịch Vọng chật chội, lùi vào khoảng sân của Trạm Y tế phường Dịch Vọng. Trong khoảng sân đó đã có 5 chiếc xe con khác. Sâu bên trong là cái lán tôn giữ xe máy. Lâu nay, khoảng sân rộng trên dưới 100m2 này đã trở thành bãi đỗ xe cho không ít chủ xe máy, ôtô không có chỗ để ở gần đó. Chiều tối mỗi ngày, gần một chục chiếc ôtô cùng hàng chục xe máy lại được gửi vào đây. Sáng ra những chiếc xe gửi lại rời bãi, trả lại khoảng sân cho trạm y tế.

Bãi đỗ xe ôtô nằm trong sân Bệnh viện Thanh Nhàn có quy mô hết sức hoành tráng. Xen bên những hàng cây xanh trong khoảng sân rộng cả nghìn mét vuông, luôn có vài chục  xe ôtô đủ kiểu đỗ la liệt. Buổi tối các xe gửi tập hợp về bãi này có tới cả trăm chiếc. Đặt vấn đề với bảo vệ bệnh viện, liền nhận được cái gật đầu: “Cứ mang xe đến đây, chúng tôi xem hiện trạng rồi thảo luận giá cả làm hợp đồng”.

Trước “cơn sốt” bãi đỗ xe ôtô, những bãi đỗ xe tự phát ở Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều. Với giá mỗi xe chừng 600 - 700 nghìn đồng/tháng thậm chí 1 triệu đồng/tháng, dịch vụ này đem lại nguồn thu khá béo bở. Hầu hết các cơ quan, công sở có không gian nhàn rỗi đều nhảy vào cuộc mở bãi giữ xe để “tăng thu nhập”. Các khoảng sân trống đều có thể biến thành bãi xe. Sân Bảo tàng Cách mạng là một bãi đỗ xe quy mô. Sân Thư viện Quốc gia có hàng chục xe ôtô đỗ ngày đêm. Bảo tàng Chiến thắng B52 trở thành bãi đỗ xe lớn. Tại nhiều trường học, tối đến xe đỗ đầy sân và sáng sáng chủ xe đem ra sớm hoàn trả sân trường cho các cháu. Nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, do bãi đỗ xe không đáp ứng được nhu cầu, sân chơi cũng bị tận dụng biến thành bãi đỗ xe.

Dù bãi đỗ xe tự phát mọc lên như nấm sau mưa nhưng cũng không thể thỏa mãn được nhu cầu về bãi đỗ xe. Ông Thắng nói để hạ nhiệt được nhu cầu về bãi đỗ xe, cần phải đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe công cộng đảm bảo đúng theo quy hoạch mà thành phố đã phê duyệt. Tiến tới sẽ xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe trên cao như ở các nước phát triển.

Hải Hà