Người nghiện ở cộng đồng:

Bài 2: Khó nhưng đừng… bó tay

(ANTĐ) - Sau 2 năm cai nghiện ma túy bắt buộc ở các trung tâm, người nghiện được trở về địa phương sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đa phần trong số họ nhanh chóng tái nghiện bởi sự cám dỗ của “cái chết trắng”, cùng sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở.


Để không là hình thức

Theo quy định, người nghiện đã hoàn thành xong thời gian cai nghiện bắt buộc trở về địa phương sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể quần chúng, các cơ quan chức năng như: công an, y tế, LĐTB&XH... theo dõi, giám sát, hướng dẫn đối tượng cách ly môi trường ma tuý; tư vấn, giúp đỡ họ học nghề, vay vốn, tạo việc làm... Mô hình hỗ trợ người nghiện sau cai, gọi tắt là câu lạc bộ B93 được hình thành từ đó. Trải qua 15 năm hoạt động, không nhiều địa phương tổ chức được mô hình này hoạt động hiệu quả. Đa số người nghiện sau cai trở về địa phương không được các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, tạo việc làm nên họ nhanh chóng tái nghiện. Đến nay, dù chưa có một đánh giá cụ thể nào, song chính quyền và lực lượng chức năng nhiều địa phương thừa nhận: CLB B93 ở cơ sở đang “chết” dần vì không thu hút được người nghiện đến sinh hoạt...

Thành viên CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm

Là mô hình đầu tiên hỗ trợ người nghiện sau cai tại cộng đồng ở Hà Nội, 15 năm qua, CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình được biết đến như một hình mẫu của công tác quản lý sau cai. Trao đổi với chúng tôi về bí quyết tổ chức, duy trì CLB, Trung tá Nguyễn Hữu Ngạn - Trưởng CAP Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình cho biết: Yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm, ủng hộ của chình quyền cơ sở. Sau đó, CLB cần một đội ngũ cán bộ tâm huyết tham gia điều hành, những tình nguyện viên này đều vui vẻ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Đảm bảo 2 yếu tố tưởng như đơn giản này, CLB sẽ “sống” được - Trung tá Ngạn khẳng định. Là mô hình hỗ trợ người nghiện sau cai, CLB B93 là nơi sinh hoạt, động viên tinh thần, giáo dục nhân cách để người nghiện tránh xa ma túy. Tuy nhiên, chỉ giáo dục, nói “chay” không thì khó có thể kéo họ tránh xa được cám dỗ. Mấu chốt nằm ở chỗ: chính quyền, các đoàn thể phải tin tưởng họ, giúp đỡ họ có việc làm để tự nuôi sống bản thân và gia đình - Trung tá Ngạn nhấn mạnh.

Đứng trước thực tế đó, năm 1998, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, bố trí mặt bằng mở 2 điểm rửa xe trên địa bàn, nhằm tạo việc làm cho các thành viên CLB B93. Trung tá Nguyễn Hữu Ngạn chia sẻ: Khi mới khai trương, điểm rửa xe không có khách, nhiều người e ngại, xa lánh những người từng một thời mắc nghiện. Cả tháng khai trương rồi mà khách đến rửa xe đều là cán bộ UBND và CAP. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng chính sự tận tụy, trách nhiệm của những người từng một thời lầm lỗi, họ đã tạo được niềm tin cho dân dân trên địa bàn, và duy trì điểm rửa xe ấy suốt hơn 10 năm qua.

14 năm đoạn tuyệt với ma túy

Đến CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực, tôi được nghe kể nhiều về tấm gương của anh Nguyễn Văn Q. (SN 1964) - thành viên CLB, người đã 14 năm đoạn tuyệt với ma túy. Anh Q. mắc nghiện từ năm 1981. Anh chia sẻ: “Đã là “con nghiện” thì chẳng ai muốn bạn nghiện của mình từ bỏ ma túy. Thấy tôi quyết tâm cai, bạn nghiện liên tục tìm đến nhà dụ dỗ, mời “thuốc”. Cai nghiện, rồi tái nghiện cho đến năm 1998, chỉ đến khi tham gia sinh hoạt CLB B93, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đặc biệt là lực lượng công an tôi mới dần tránh xa được ma túy” - anh Q. chia sẻ. Đáng khâm phục khi biết rằng, anh Q. chỉ là 1 trong số hơn 40 người đã cai nghiện thành công suốt 15 năm mô hình CLB B93 ra đời ở phường Nguyễn Trung Trực. Con số ấn tượng ấy là công sức của Ban chủ nhiệm CLB, các ban, ngành, kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an, gia đình, những người không quản ngại khó khăn, giúp đỡ, tin tưởng những người từng một thời lầm lỡ.

Điểm rửa xe tại CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực duy trì hoạt động hơn 10 năm qua

Tuy vậy, phải thừa nhận rằng: “Để triển khai, tổ chức mô hình CLB B93 hoạt động hiệu quả, giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy… các địa phương đang gặp không ít khó khăn. Mô hình CLB B93 của phường Nguyễn Trung Trực có được thành công như ngày hôm nay, đều do chúng tôi vừa làm, vừa học, vừa đúc rút kinh nghiệm theo cách riêng của mình. Bởi hiện chưa có một quy phạm, quy chuẩn nào hướng dẫn các địa phương quản lý, giáo dục và hướng nghề cho người nghiện sau khi đi cai trở về cộng đồng” - Trung tá Nguyễn Hữu Ngạn bộc bạch. Bài học từ CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực cho thấy: Ở đâu chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương thực sự vào cuộc, công tác quản lý người nghiện tại nơi đó sẽ thành công.