Bài 2: Khi đường ngang trở thành “điểm đen”

(ANTĐ) - Hệ lụy của sự giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là những đường ngang mở trái phép, là sự mất an toàn giao thông. Song có một thực trạng - nghịch lý lâu nay, là ngay cả những đường ngang “hợp pháp” cũng gây mất an toàn, trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông. Bên cạnh lỗi ý thức của người dân có cả sự chủ quan, chậm trễ từ phía ngành đường sắt trong giải quyết những nghịch lý này.

Rối như đường ngang:

Bài 2: Khi đường ngang trở thành “điểm đen”

(ANTĐ) - Hệ lụy của sự giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là những đường ngang mở trái phép, là sự mất an toàn giao thông. Song có một thực trạng - nghịch lý lâu nay, là ngay cả những đường ngang “hợp pháp” cũng gây mất an toàn, trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông. Bên cạnh lỗi ý thức của người dân có cả sự chủ quan, chậm trễ từ phía ngành đường sắt trong giải quyết những nghịch lý này.

>>> “Tít mù rồi lại vòng quanh”

12 công văn, 5 người chết và sự im lặng

Trong danh sách 7 “điểm đen” trên tuyến đường sắt Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội đến Văn Điển dài 12km, “nổi bật” nhất là điểm giao cắt gần ngã ba Pháp Vân - Ngọc Hồi đi vào khu dân cư Linh Đàm và trụ sở UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Tuyến đường này còn là lộ trình hàng ngày của khoảng 1.300 học sinh hai trường THCS và Tiểu học Hoàng Liệt.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt kể, “Từ khi Hoàng Liệt còn là xã thuộc huyện Thanh Trì, và tôi khi đó giữ chức Phó Chủ tịch, nguy cơ mất an toàn ở điểm giao cắt này đã được chúng tôi kiến nghị đến Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, Tổng Công ty Đường sắt. Mãi đến năm 2004, phía ngành đường sắt mới đầu tư lắp đặt tại đây một trạm đèn báo tín hiệu tự động, gồm chuông và đèn đỏ báo mỗi khi có tàu đến. Nhưng quả thực, sự đầu tư này chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm của điểm giao cắt. Và liên tục đến thời điểm này, chúng tôi đã gửi tổng cộng 12 công văn đề nghị nâng cấp đường ngang này”.

Mặc dù đã có biển báo nhưng qua đường ngay nhất thiết vẫn phải quan sát
Mặc dù đã có biển báo nhưng qua đường ngay nhất thiết vẫn phải quan sát
 

Đáp lại những công văn của cơ sở, phía ngành đường sắt chủ yếu giữ “quan điểm” im lặng. Một trong không nhiều hồi âm của Tổng Công ty Đường sắt mà phường Hoàng Liệt nhận được là “hàng năm, do nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế dành cho quản lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế, nên chỉ đủ duy tu sửa chữa cơ sở hạ tầng hiện tại”.

Công văn hồi âm của Tổng Công ty Đường sắt tiếp đó hướng dẫn phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai liên hệ với Sở GTCC và Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải để làm các thủ tục vận dụng quy định của “Điều lệ đường ngang - Bộ GTVT ban hành năm 2006”, là “kinh phí và xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang do tổ chức xin thành lập hoặc cải tạo đảm nhận”(?!).

Hậu quả của sự im lặng, thái độ thiếu trách nhiệm này như thế nào? Theo hồ sơ của Đội CSGT số 4, từ 17-9-2007 đến 16-2-2008, tại đường ngang trên đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, đều liên quan đến tàu hỏa, làm 5 người chết, 2 người bị thương. Đa số các vụ tại nạn đều xảy ra vào sáng sớm hoặc trời tối.

Thương tâm nhất là vụ tai nạn xảy ra sáng sớm 16-2: Một chiếc ôtô từ đường Pháp Vân vào khu Linh Đàm đã bị tàu hỏa húc “bay” xuống ao, 3 người trên xe tử vong tại chỗ. Kinh hoàng không kém là vụ tai nạn xảy ra lúc 0h10 ngày 16-1. Một ôtô tải trọng lượng 2,5 tấn chở đầy cát đã bị tàu hỏa kéo lê 100 mét. Tài xế xe tải bị thương nặng.

“Bó” bởi kinh phí?

“Quả thực chúng tôi nhận được nhiều công văn đề nghị xây dựng, nâng cấp đường ngang ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, thẩm quyền ra quyết định lại không thuộc về chúng tôi”, một cán bộ Ban An toàn giao thông - Tổng Công ty Đường sắt cho biết. Theo phân cấp đường ngang của “Điều lệ đường ngang”, thẩm quyền ấy do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định. Vị cán bộ Ban An toàn giao thông bổ sung, “chỉ khi được Bộ trưởng Bộ GTVT ủy quyền, Tổng Công ty Đường sắt mới được ra quyết định”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các đường ngang “hợp pháp” hiện nay có 3 hình thức cảnh báo. Đơn giản nhất là tấm biển báo hiệu giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Dạng thứ hai là hệ thống cảnh báo tự động, gồm chuông và đèn đỏ khi có tàu qua lại. Dạng thứ ba là đường ngang có rào chắn và người gác ghi. Trên toàn quốc hiện nay có khoảng 500 đường ngang có rào chắn và người gác ghi.

Ông Nguyễn Văn Doanh – Phó cục trưởng Cục Đường sắt thẳng thắn: “Đường ngang nào cũng có người gác ghi và rào chắn thì tốt quá, nhưng như thế thì không ngân sách nào kham nổi”.

Theo ông Doanh, đơn giản nhất như đường ngang chỉ có biển báo mà kinh phí đầu tư đã lên đến 300 triệu đồng, bởi phải thảm đường, chuẩn hóa hạ tầng khu vực đường ngang đó. Đối với đường ngang có rào chắn và người gác ghi, chi phí có thể lên đến 500 triệu đồng. Song với kiểu đường ngang này, 500 triệu đồng mới là đầu tư ban đầu. Sau đó còn phải trả lương cho người gác ghi, chi phí thông tin... mỗi năm bình quân không dưới 100 triệu đồng.

Với lực lượng 3.000 công nhân gác ghi đang làm việc, đây quả thực là con số khá nặng đối với ngân sách. Theo ông Doanh, kinh phí là một trong những lý do chính mà ngành đường sắt, Bộ GTVT phải cân nhắc trước khi quyết định xây dựng hay nâng cấp đường ngang có rào chắn và người gác.

Bài toán kinh phí mà đại diện Cục Đường sắt nêu ra không phải không có lý. Đặc biệt đối chiếu theo quy định của “Điều lệ đường ngang” cũng không khuyến khích mở liên tiếp đường ngang có người gác, nếu không đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật, an toàn.

Tuy nhiên, không vì thế mà ngành Đường sắt, Bộ GTVT duy trì sự chậm trễ, thận trọng quá mức cần thiết, nhất là với những khu vực đường ngang mà thiết bị cảnh báo tự động không thể phát huy tác dụng. Quy định của Nhà nước cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư đường ngang. Song rất cần sự hướng dẫn một cách chi tiết của ngành đường sắt để nếu có thể, địa phương tham gia thực hiện quy định này.

Trở lại câu chuyện đường ngang - điểm đen ở phường Hoàng Liệt, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai không giấu nổi bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: “Gần 5 năm thành lập quận, chưa một lần tôi thấy phía ngành đường sắt chủ động đề nghị phối hợp hay chủ trì một biện pháp nào để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Tôi nghe ngành đường sắt phàn nàn là nhiều đường ngang trái phép. Nhưng thay vì phàn nàn, sao họ không thống kê và đề nghị chúng tôi phối hợp triển khai xóa đường ngang đó? Tuyên truyền, giáo dục, ký cam kết với  người dân có ý thức bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chúng tôi đều làm. Nhưng để an toàn cao nhất không thể thiếu vai trò chủ động của ngành Đường sắt”.

Đảm bảo sự an toàn cho hành lang đường sắt, ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông từ những đường ngang “hợp pháp” cũng như không phép, phải bằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ GTVT, ngành đường sắt và chính quyền các địa phương có đường tàu đi qua.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, bên cạnh việc Bộ GTVT sớm triển khai quy hoạch đề án “xóa” đường ngang trái phép trên toàn quốc; mỗi người dân khi tham gia giao thông, nhất là khi đi qua điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, phải chấp hành nguyên tắc: dừng lại quan sát trước khi qua đường tàu! Bởi chỉ một phút bất cẩn, chỉ sơ sẩy tâm lý chủ quan, thì dù thiết bị cảnh báo hiện đại đến đâu, nguy cơ tai nạn vẫn khó tránh khỏi.

Hoàng Quân