Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới

Bài 2: Hà Nội - nơi giao thoa 2 vùng văn hóa xứ Đoài và Kẻ Chợ - Tràng An

ANTD.VN - Tròn 10 năm kể từ khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, bức tranh đời sống văn hóa của người dân Hà Nội có thêm nhiều gam màu sinh động, ghi nhận sự giao thoa và gắn bó giữa 2 vùng văn hóa: văn hóa xứ Đoài và văn hóa Kẻ Chợ - Tràng An. Nhân dịp này, phóng viên Báo An ninh Thủ đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long.

Hợp nhất không gây “cú sốc” về mặt văn hóa

- PV: Thưa ông, nhìn lại quá trình một thập kỷ vừa qua kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đưa Hà Tây trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô, ông nhận thấy đời sống văn hóa của Hà Nội sau mở rộng có xáo trộn hay thay đổi gì không?

- Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long: Về góc độ văn hóa mà nói, Thăng Long xưa, Hà Nội trước và sau khi mở rộng đều nằm chung trong khu châu thổ sông Hồng. Nói đến văn hóa, người ta vẫn hay gọi chung là văn hóa sông Hồng. Mặc dù Hà Tây và Hà Nội xưa, mỗi nơi có nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng nét chủ đạo, nét chung vẫn là văn hóa sông Hồng. Vì thế sự hợp nhất về mặt địa giới hành chính không gây “cú sốc” về mặt văn hóa. 

Không chỉ vậy, nhìn lại lịch sử văn hóa, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của 2 vùng đất này cũng có những nét tương đồng, gắn bó và bổ trợ cho nhau. Chúng ta đấu tranh dựng nước, giữ nước thường đấu tranh với kẻ thù lớn hơn ta rất nhiều và thắng lợi được là nhờ tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Trong đó, Hà Nội và Hà Tây thực chất gần như là một, gắn kết với nhau, từ thời nhà Trần, nhà Lê đến sau này. Hà Tây với những “cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ”, với “chiếc gậy Trường Sơn”… vẫn được xem như phên giậu, như cửa ngõ, như tấm áo giáp giúp Thủ đô nghìn năm bền vững. 10 năm kể từ sau khi sáp nhập vào  Hà Nội, những nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Hà Tây cũ vẫn đang được gìn giữ. Nếu có sự biến đổi thì cũng là sự biến đổi theo thời gian, biến đổi bởi cuộc sống không ngừng thay đổi. Sự biến đổi có cả tích cực và tiêu cực, mang yếu tố của cả thời kỳ đổi mới và theo xu hướng chung ở đâu cũng vậy. Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… hay các tỉnh thành lân cận Hà Nội đều thay đổi, không chỉ riêng gì Hà Tây.

- Ông nói thêm về sự giao thoa giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Kẻ Chợ - Tràng An sau khi cùng về chung một ngôi nhà văn hóa là văn hóa Thăng Long - Hà Nội?

- Sự giao thoa này thật ra mà nói không phải là thứ hữu hình nhưng tôi cho rằng, cả hai nền văn hóa này đều không mất đi mà chỉ có sự thay đổi. Nếu như không hợp nhất Hà Tây vào với Hà Nội thì văn hóa Kẻ Chợ bây giờ cũng không thể như xưa, bản thân văn hóa Kẻ Chợ cũng thay đổi rất nhiều rồi, ví như chúng ta có thể thấy rõ nhất là các phố “Hàng” giờ đâu có bán hàng như xưa. Cũng như vậy, văn hóa xứ Đoài trước khi hợp nhất cũng không thể là văn hóa xứ Đoài của thời xa xưa. Sự hợp nhất 2 vùng văn hóa vốn đã có những giá trị đặc sắc như văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long - Hà Nội tất nhiên sẽ tạo ra những thay đổi, nhưng đó là sự thay đổi tất yếu theo quy luật thời gian. Vì trên thực tế, đời sống văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào đời sống kinh tế - xã hội. 

Dĩ nhiên, nói sau khi hợp nhất, văn hóa 2 vùng phát huy được cái gì, ảnh hưởng thế nào đến nhau thì phải nói thẳng là có nhưng chưa nhiều. Có thể ai đó đang hoài cổ thì cảm thấy hình như nét văn hóa của vùng nào đó đang bị mất đi, nhưng không, nó vẫn còn đấy. Riêng về văn hóa, tôi nghĩ không có gì để bi quan cả. Bất cập có nhưng chưa lớn. Có điều, với văn hóa thì đừng để bất cập kéo dài vì sai sót về văn hóa nếu như đã lớn thì sẽ rất khó sửa và cũng chẳng biết sửa bằng cách nào. 

Tôi ví dụ, sau khi hợp nhất vào Hà Nội, trở thành những công dân Thủ đô thì đời sống của người dân Hà Tây cũ cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đường làng ngõ xóm cũng được sửa sang, đời sống khấm khá lên. Nhiều cụ già nói với tôi, cái họ thấy là được nhiều hơn lúc trước. Rồi nhiều vùng quê ở Hà Tây sau khi hợp nhất được áp dụng nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao. Đấy là những nét tương đồng, hỗ trợ cho nhau phát triển tốt đẹp hơn. 

Bài 2: Hà Nội - nơi giao thoa 2 vùng văn hóa xứ Đoài và Kẻ Chợ - Tràng An ảnh 2Hà Nội luôn mang trong mình những nét văn hóa độc đáo mà không phải nơi nào cũng có (Trong ảnh: Diễn xướng Con đĩ đánh bồng - một điệu múa cổ của người dân làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội)

Bức tranh đời sống văn hóa chủ đạo là gam màu sáng

- Bên cạnh những yếu tố vô hình về sự giao thoa văn hóa kể trên, còn có khối lượng di sản văn hóa đồ sộ của Hà Tây mà Hà Nội tiếp quản sau khi mở rộng địa giới hành chính. Về mặt này, ông đánh giá thế nào?

- Có thể nói Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính trở thành nơi có di sản văn hóa tầm cỡ quốc gia nhiều nhất trong cả nước, trong đó nhiều di sản nằm ở các vùng mở rộng. Những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội cũ; di tích Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh; kinh đô xưa của Nhà nước đầu tiên của Việt Nam; chùa Hương; chùa Thầy; đền Và; Đường Lâm; núi Tản Viên của Hà Tây cũ… đã tạo nên một Hà Nội phong phú về kho tàng di sản văn hóa. Rõ ràng, việc mở rộng địa giới cũng làm Thủ đô của chúng ta đồ sộ hơn với việc thêm hàng nghìn di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa rất phong phú từ nội thành đến ngoại thành sau khi hợp nhất càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đương nhiên, rộng rãi hơn, nhiều hơn thì cũng có nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý. 

- Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà ông vừa nhắc đến không?

- Các di sản văn hóa mà chúng ta đang có, nhiều cái ít thì cũng trăm năm, dài có khi cả nghìn năm. Nhiều di sản bị xuống cấp, mà để tu bổ sửa sang thì phải có đội ngũ giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp chứ không phải thợ nào cũng có thể làm được. Đành rằng, chúng ta đã có quy chế về việc này song vẫn cần có những quy định rõ ràng về việc chủ thể đứng ra sửa phải tuân theo những yêu cầu gì, chịu trách nhiệm ra sao thì mới bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, vấn đề năng lực quản lý cũng chưa đáp ứng được so với khối lượng di sản văn hóa đồ sộ trên địa bàn rộng lớn như hiện nay, dẫn đến việc quản lý chưa sâu sát. Đặc biệt, việc phát huy các mô hình “di tích nuôi di tích” như Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn cần phải được nhân rộng và đẩy mạnh hơn, không chỉ là chuyện tự nuôi mình nhờ vào nguồn bán vé tham quan mà còn để mọi người biết đến, hiểu và tôn vinh di tích. Cùng với đó là các công trình văn hóa. Một Thủ đô rộng lớn tầm cỡ thế giới thì các công trình văn hóa phải làm sao đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân…. Nhìn chung, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, bức tranh về đời sống văn hóa của Hà Nội có mảng sáng, chưa sáng và cả mảng tối, nhưng gam màu chủ đạo vẫn là gam màu sáng.

- Vậy theo ông, trong thời gian tới, Hà Nội cần phải làm gì để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời?

- Trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của Thủ đô mở rộng. Bên cạnh đó, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới ngày càng cao nên chúng ta cần phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế. Suy thoái về đạo đức lối sống suy cho cùng là vì văn hóa. Đầu tư ở đây không chỉ là đầu tư về tiền bạc mà là trí tuệ của nhân dân. Trí tuệ đó không phải chỉ của người đương chức mà cả những người đã về hưu, những trí thức, những người dân bình thường đang sống và làm việc ở Hà Nội. Tiềm năng ấy vô cùng lớn, cần phải được khơi dậy trong xã hội hiện đại. Chúng ta phải tranh thủ họ, đừng ngại. 

- Trân trọng cảm ơn ông! 

Bài 2: Hà Nội - nơi giao thoa 2 vùng văn hóa xứ Đoài và Kẻ Chợ - Tràng An ảnh 3

“Tôi dám khẳng định kể cả những người không phải cán bộ của Hà Nội cũng tâm huyết với Hà Nội, bởi đây là nơi người ta sống nên luôn mong mọi điều tốt đẹp nhất cho mảnh đất này. Đặc biệt, làm văn hóa thì trước bất cứ chủ trương, chính sách hay ý tưởng gì, chúng ta nên tham khảo sự góp ý của các tầng lớp, nhất là tầng lớp văn sĩ trí thức. Đó là mong muốn của tôi - một công dân Thủ đô cũng đã được hưởng những điều tốt đẹp từ Thủ đô, lớn lên và khôn ngoan nhờ Thủ đô. Tôi luôn tin rằng, Thủ đô Hà Nội sau 5-10 năm nữa sẽ phát triển vượt bậc, không chỉ khách nước ngoài mà ngay chính bản thân mỗi chúng ta đều thấy Hà Nội trong mắt chúng ta đang đẹp dần lên, huy hoàng, lộng lẫy hơn mười ngày xưa!”. 

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức