LẬT TẨY CÁC CHIÊU TRÒ, THỦ ĐOẠN TINH QUÁI CỦA TỘI PHẠM

Bài 1: Vụ án thuê người chặt chân tay để trục lợi tiền bảo hiểm: Không khoan nhượng với cái xấu

ANTD.VN - LTS: Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, bị bắt giữ, khởi tố điều tra và truy tố xét xử là cả quá trình đấu tranh không hề đơn giản, nhất là với tội phạm đã hình thành "kịch bản" trước khi gây án. Quá trình đưa tội ác, các hành vi vi phạm ra ánh sáng, hết sức âm thầm song công phu, bền bỉ, là vai trò - bản lĩnh của cán bộ điều tra. Báo ANTĐ khắc họa những "lát cắt" công việc của điều tra viên, qua một số vụ án điển hình được khám phá mới đây...

Tỉnh Đắk Lắk vừa xảy ra vụ án sát hại cháu vợ, sau đó lấy xác giả vờ chết để trục lợi bảo hiểm và cách đây 4 năm, trên địa bàn Hà Nội cũng đã xảy ra một vụ thuê người chặt tay, chân cũng với mục đích này.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thời điểm đó là Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho rằng, chỉ cần điều tra viên “tặc lưỡi” bỏ qua, không đi đến tận cùng chân tơ kẽ tóc vụ việc, người phụ nữ chủ mưu vụ việc có thể hoàn thành màn kịch tai nạn, được nhận số tiền bảo hiểm lớn. “Vụ việc được làm rõ thể hiện 'cái tâm' của cán bộ điều tra, không đồng thuận với cái xấu” - Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh. 

Vụ tai nạn đường sắt bất thường

0h05 ngày 5-5, CAQ Bắc Từ Liêm nhận được tin báo từ Doãn Văn D về việc xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt tại khu gian Hà Đông - Phú Diễn thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển, địa phận phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân bị đứt một bàn tay và một bàn chân. 

Sau khi tiếp nhận tin báo, CAQ Bắc Từ Liêm đã triển khai lực lượng đến hiện trường, mang theo thùng đá bảo quản phần chân, tay bị đứt rời và đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện 19-8. Hiện trường xác định chị Lý Thị N đang nằm dọc đường ray bên trái đường sắt, theo chiều chạy từ Hà Đông về ga Phú Diễn.

Bài 1: 
Vụ án thuê người chặt chân tay để trục lợi tiền bảo hiểm: Không khoan nhượng với cái xấu ảnh 1

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt bất thường

Chị N bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời, một chiếc dép nằm phía bên trong đường ray. Lực lượng công an đã đưa chị N. đi cấp cứu. Mong muốn duy nhất lúc đó của tổ công tác là nạn nhân có thể được nối thành công phần tay và chân bị tai nạn, nhưng cuối cùng, ước nguyện đó đã không thành hiện thực. Chị N sau đó phải sử dụng chân tay giả.

Chị Lý Thị N. là người dân tộc Tày, quê ở Tuyên Quang, hiện đã lấy chồng, có 2 con và sinh sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Tỉ mẩn với từng dấu vết

Điều tra viên thụ lý vụ án thời điểm ấy là Thượng úy Nguyễn Quang Vũ, Đội CSHS - CAQ Bắc Từ Liêm và hiện nay anh đang nhận nhiệm vụ tại Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội. Với kinh nghiệm của một người lâu năm xử lý các vụ tai nạn giao thông, Thượng úy Nguyễn Quang Vũ khi đó không quên chụp lại phần tay, chân bị đứt rời trước khi được phẫu thuật nối và anh cũng có cảm giác hơi ngạc nhiên vì vết thương “bị tàu cán” mà lại gọn gàng như vết... chặt.

Ngay trong đêm hôm đó, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy CAQ Bắc Từ Liêm, đoàn tàu được cho là gây tai nạn đã phải dừng bánh để lực lượng công an khám nghiệm hiện trường. Khi được lực lượng công an thông báo đoàn tàu vừa gây tai nạn, người lái tàu đã khẳng định không hề có sự va quệt với bất cứ một vật nào trên đường di chuyển.

Hơn nữa, phía dưới đầu máy còn có thanh gạt dài khoảng 20cm và chỉ cách đường ray khoảng 2cm, nếu có người không may cho chân vào đường ray, thì với tốc độ tàu chạy như vậy không thể chỉ bị thương vào chân và tay, mà có thể bị cuốn cả người vào gầm tàu hỏa.

Trong khoảng thời gian 1 tháng từ khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt, Thượng úy Nguyễn Quang Vũ đã tỉ mẩn nghiên cứu từng bộ phận của tàu hỏa, từng dấu vết sinh học trên các bánh tàu, nhưng không khác gì “mò kim đáy bể”.

Toa tàu được cho là đã gây ra tai nạn cho chị Lý Thị N

Nghi vấn đây không phải một vụ tai nạn giao thông, ngày 9-6, cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã mời Lý Thị N lên làm rõ. Tại bản khai này, N khai mình bị cướp và có thể bị bọn cướp chặt tay, chân...

Cuộc điều tra chuyển sang theo hướng chị N bị cướp. Thậm chí, Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm còn định khởi tố vụ án cướp tài sản mà bị hại là Lý Thị N song đã dừng lại. Bởi xem xét nhiều yếu tố, nếu đúng là chị N bị cướp thật, thì không có lý do gì chị N lại bị những kẻ cướp bí ẩn chặt tay, chân. 

Vụ án có lúc rơi vào bế tắc. Người báo tin đến CAQ Bắc Từ Liêm cũng mất dạng khi gọi điện thoại không liên lạc được và đến nhà theo địa chỉ mà anh D để lại thì... không tồn tại. Thượng úy Nguyễn Quang Vũ và chỉ huy Đội CSHS - CAQ Bắc Từ Liêm linh cảm đây không phải vụ tai nạn giao thông, hay vụ cướp tài sản thông thường theo trình báo của bị hại.

Trước tính chất phức tạp của vụ việc, chỉ huy Đội CSHS - CAQ Bắc Từ Liêm đã tăng cường thêm những điều tra viên kinh nghiệm khác cùng tham gia điều tra. Tại bản khai thứ hai, một chi tiết trong lời khai của chị Lý Thị N đã khiến các điều tra viên nhận định về một tình huống mới.

Thượng úy Nguyễn Quang Vũ trao đổi với phóng viên tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Đó là khi được hỏi về yêu cầu đề nghị với cơ quan công an, chị N đã “yêu cầu cơ quan công an cho đi khám thương để xác định mức độ tổn hại sức khỏe”, đồng thời mang theo nhiều giấy tờ liên quan đến việc đề nghị thanh toán bảo hiểm do bị tai nạn giao thông. 

'Cái tâm' của điều tra viên

Căn cứ vào những chứng cứ này, lực lượng công an đã liên hệ với các công ty bảo hiểm, tuy nhiên không phải công ty nào cũng sẵn sàng cung cấp thông tin vì lý do bảo mật. Sau đó, chỉ có Công ty bảo hiểm B cung cấp thông tin về gói bảo hiểm mà chị Lý Thị N đã mua.

Thượng úy Nguyễn Quang Vũ nhớ lại, khi biết vở kịch của mình có nguy cơ bị lộ, Lý Thị N bắt đầu tỏ ra hối hận. N đã nhiều lần khóc với cán bộ thụ lý để mong Thượng úy Vũ có thể thông cảm mà xác nhận cho N.

Ngoài ra, người này còn liên tiếp gọi điện, nhắn tin cho điều tra viên với mong muốn duy nhất là được cơ quan công an xác định vụ việc của N là tai nạn giao thông, tạo điều kiện để thanh toán bảo hiểm. Hơn 1 lần Lý Thị N đề nghị cơ quan công an “bắt tay” với mình, xác nhận đây là vụ tai nạn đường sắt thông thường, nhằm được hưởng quyền lợi bảo hiểm và sẵn sàng chia nửa tổng số tiền bảo hiểm thanh toán. Song với trách nhiệm của người thực thi pháp luật, các điều tra viên đã làm việc hết sức tỉ mỉ, làm rõ từng dấu vết nghi vấn để sáng tỏ sự thật. 

Sau hành vi dại dột, Lý Thị N đã phải sử dụng chân tay giả

Sau 3 tháng trời ròng rã, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát hình sự đã tìm được tung tích của anh Doãn Văn D và triệu tập anh ta đến cơ quan công an.

Tại đây, anh D biết sự việc đã bại lộ và thừa nhận dàn dựng vụ tai nạn giao thông theo thỏa thuận với Lý Thị N. D quen N trong những lần về quê tạt vào quán nước của người phụ nữ này. N năn nỉ D chặt tay và chân của N để giúp N nhận số tiền bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng. Nắm được thông tin từ D, ngày 5-8, Cơ quan CSĐT đã lần thứ ba triệu tập N lên làm việc, động viên N khai nhận thành khẩn việc làm của mình.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ, quá trình làm rõ sự việc xảy ra đối với Lý Thị N nếu so sánh với việc khám phá các vụ án nghiêm trọng khác không phải là một chiến công, nhưng lại thể hiện sự công tâm của lực lượng điều tra, không khoan nhượng với cái xấu, đồng thời cảnh báo những kẻ muốn lợi dụng hành động mua bảo hiểm để trục lợi, sớm muộn sẽ lộ bộ mặt thật.

“Kết thúc vụ việc, không có một biện pháp xử lý hình sự nào đối với N và D, nhưng N giờ đây phải sống trong cảnh tàn tật và Doãn Văn D phải sống trong sự ám ảnh về vụ việc kinh hoàng này, chúng tôi - những điều tra viên cảm thấy vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách” - Thượng úy Nguyễn Quang Vũ bày tỏ.